Ngày 9/5, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết các bác sĩ tại đây đang tích cực cứu chữa cháu bé 1 tuổi bị đuối nước.

duoi-nuoc-407-1154-1652077195965-16520771961551218155693-1652100548.jpg
Bệnh nhi đang được các y bác sĩ nỗ lực điều trị với hy vọng hạn chế tối đa di chứng sau đuối nước

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, khoảng 3 giờ trước khi tai nạn xảy ra, người mẹ để con chơi ở sân rồi tranh thủ đi tắm. Chỉ sau ít phút, chị chạy ra thì không thấy con đâu, người mẹ hốt hoảng tìm kiếm. Khoảng 10 phút sau, chị chết lặng khi phát hiện con đã nổi dưới ao cạnh nhà.

Cháu bé đã được người dân đưa lên khỏi mặt nước và nhấn tim, hô hấp nhân tạo rồi chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng cơ thể tím tái, gồng cứng. Sau khi cấp cứu, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên tuyến trên.

Theo bác sĩ Vũ, sau 2 ngày chống phù não tích cực, phủ kháng sinh trị viêm phổi hít, thở máy hỗ trợ, bé tạm thoát cơn nguy kịch. Tuy nhiên, bác sĩ rất lo ngại về nguy cơ tổn thương não, chưa tiên lượng chính xác được.

"Hi vọng bé sẽ may mắn cải thiện từng chặng đường điều trị, đáp ứng tốt các liệu pháp phục hồi chức năng tổn thương não và sẽ còn cơ hội trở về với gia đình", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ có thể xảy ra trong mọi môi trường sống, trẻ có thể gặp nạn ở ao hồ quanh nhà, trong bể nước nuôi cá cảnh hoặc cắm đầu vào xô, chậu đựng nước để trong nhà vệ sinh.

Để tránh tai nạn trên, phụ huynh cần rào kín ao, bể bơi, hòn non bộ, bể cá… Loại bỏ những vật dụng chứa nước có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Người lớn phải thường xuyên để mắt trông coi trẻ, tuyệt đối không để trẻ một mình.

Ngoài ra, với những trẻ lớn hơn, gia đình có thể cho các con đi học bơi để phòng ngừa tối đa nguy cơ đuối nước có thể xảy ra./.