Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, TP.HCM đã đề xuất Bộ Giáo dục - Đào tạo xem xét phương án kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục. Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đa số bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ vì có thể giúp học sinh, đặc biệt là khối lớp 1 và 2 có nhiều thời gian tiếp cận phương thức học trực tuyến để việc tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả.
Có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Trịnh Ngọc Thuỳ (ngụ Quận 9, TP.HCM) lo rằng con không thể bắt kịp chương trình học trực tuyến trong năm học này. Trước đó, chị Ngọc Thuỳ đã mua các phần mềm học Tiếng Anh online, sách Hành trang vào lớp 1… để con làm quen, nhưng bé thường mất tập trung, uể oải. Với đề xuất kéo dài năm học của ngành giáo dục thành phố, chị rất đồng tình vì hy vọng con sẽ có thêm thời gian để học tập, tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, phụ huynh này cũng băn khoăn về việc việc học online đối với các bé mới vào lớp 1.
“Những em học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1 và 2 mà ngồi lâu để học online không phát huy hết được lợi ích. Tôi cũng không rõ thành phố sẽ áp dụng cách dạy như thế nào, chẳng hạn một lớp học chữ gồm 40 học sinh thì không khả quan”, chị Ngọc Thuỳ chia sẻ.
Do ảnh hưởng dịch bệnh nên năm học 2021-2022, học sinh tiểu học ở TP.HCM bắt đầu chậm hơn 1 tuần. Các trường dành 10 ngày đầu hướng dẫn kỹ năng học tập trên Internet cho học sinh và phụ huynh. Theo cô Tống Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoà Bình (Quận 1), việc đề xuất kéo dài năm học là hợp lý bởi ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường sẽ có thời gian tổ chức các buổi học trực tiếp để luyện chữ, đọc hiểu cho học sinh lớp 1 và rèn chính tả cho học sinh lớp 2.
Cô Mai Hương cho biết, hiện nhà trường đã ghi hình, làm clip hướng dẫn,… theo kế hoạch của ngành giáo dục thành phố để cùng phụ huynh hỗ trợ học sinh lớp 1 tiếp cận với chương trình học. Nội dung bài giảng online sẽ cô đọng theo từng chủ đề, hoặc thông qua các trò chơi sinh động,… để tránh gây nhàm chán cho các em. Đồng thời, nhà trường cũng có phương án hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để các em không bị “lỗ hổng” kiến thức.
“Nếu kéo dài thời gian với lớp 1, lớp 2 thì tôi cho rằng cũng không cần dài lắm, bởi khi tình hình ổn định thì học sinh sẽ có thời gian luyện tập với giáo viên trên lớp. Trường đã lên kế hoạch, mỗi lớp sẽ có thời khoá biểu, khung giờ học riêng phù hợp với đặc điểm tình hình của lớp đó. Trường hợp học sinh không có điều kiện học online thì giáo viên và phụ huynh phải cùng tương tác, dạy riêng cho em đó. Phụ huynh cứ thoải mái bày tỏ, chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ học sinh”, cô Mai Hương cho hay.
Về đề xuất kéo dài năm học của thành phố, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo Quận 3 cho rằng, nhóm học sinh khối 1, 2 rất cần có sự hướng dẫn sâu sát, uốn nắn, hỗ trợ trực tiếp. Các em sẽ bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn với hình thức học trên môi trường Internet trong suốt học kì 1 năm học 2021-2022. Do đó, việc kéo dài thời gian năm học, nhất là ở bậc tiểu học sẽ tạo điều kiện để giáo viên có thêm thời gian bồi dưỡng chuyên môn, rèn luyện kỹ năng giảng dạy, giảm áp lực trong việc chuẩn bị bài giảng điện tử.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, việc kéo dài năm học cũng đồng nghĩa thời khóa biểu, chương trình học được bố trí thưa và rải đều theo khung thời gian năm học, giảm áp lực học tập cho học sinh cũng như áp lực làm việc của giáo viên, như vậy sẽ giúp đảm bảo chất lượng giáo dục và tạo được sự đồng thuận.
“Nỗi lo của cha mẹ học sinh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để tiếp cận với công nghệ trong giáo dục phù hợp với xu thế. Mỗi người dân, cha mẹ học sinh phải bình tĩnh, phối hợp, đồng hành với nhà trường để đem lại hiệu ứng cho hoạt động của nhà trường và đạt kết quả tốt”, ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ.
Bên cạnh những điều chỉnh của ngành giáo dục thành phố trong thời điểm dịch bệnh, cha mẹ học sinh cũng cần chủ động tương tác, phản hồi với giáo viên, nhà trường để đảm bảo chất lượng dạy và học, đem lại nhiều trải nghiệm với hình thức học trực tuyến cho các em học sinh, nhất là bậc tiểu học./.