Sáng 19/11, UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức hội thảo công bố kết quả khảo sát rác thải nhựa và lễ ký cam kết tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa.

Chương trình trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

130d5134710t24512l0-1637306276.jpg

Tháng 8/2020, Ban Điều phối dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam” thực hiện nghiên cứu đầu vào về hiện trạng phát sinh rác thải trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Theo đó, tại TP Hà Tĩnh, mỗi ngày phát sinh khoảng 83 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó tỷ lệ thu gom đạt 97%. Riêng khối lượng phát thải rác thải nhựa ước khoảng 9 tấn/ngày. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

130d5123130t26435l0-1637306300.jpg
Bà Nguyễn Thu Trang - Quản lý hợp phần Đô thị giảm nhựa của dự án thông tin kết quả bước đầu thực hiện nghiên cứu rác thải nhựa tại TP Hà Tĩnh.

Ban Điều phối dự án cũng đã tổ chức tập huấn cho gần 80 cán bộ giáo dục và giáo viên TP Hà Tĩnh về bảo vệ môi trường và rác thải nhựa như: kiến thức về rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, các tác động về môi trường, sức khoẻ, cách phân loại rác…; triển khai các hoạt động giáo dục về rác thải nhựa tại trường học, mô hình trường học không rác thải, xây dựng kế hoạch trường học giảm thiểu rác thải nhựa…

Bên cạnh đó, Ban Điều phối dự án cũng tập huấn cho 60 hộ tại phường Hà Huy Tập về nâng cao nhận thức rác thải nhựa, hướng dẫn phân loại rác tại hộ gia đình, hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ rác; cấp phát 120 sọt rác, 60 thùng ủ phân...

122d5102933t88282l0-1637306324.png
Ban Điều phối dự án thực hiện khảo sát các điểm nóng rác thải trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực phòng chống ô nhiễm nhựa như: kế hoạch phòng chống rác thải nhựa trên toàn địa bàn do UBND tỉnh ban hành vào tháng 5/2019; phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội Nông dân tỉnh phát động vào tháng 4/2021; mô hình “chợ dân sinh giảm thiểu thải rác thải nhựa” do Tỉnh đoàn triển khai vào tháng 6/2021...

Mặc dù đã ghi nhận một số kết quả khả quan nhưng nhìn chung việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung, chất thải nhựa nói riêng trên địa bàn tỉnh chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, việc tham gia dự án được coi là một trong những giải pháp chiến lược của địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, rác thải nhựa.

122d5102642t31409l0-1637306347.jpg
UBND thành phố Hà Tĩnh và tổ chức WWF Việt Nam tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa.

Tại hội thảo, lãnh đạo UBND thành phố Hà Tĩnh và tổ chức WWF Việt Nam đã ký cam kết tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa.

122d5103128t71232l0-1637306368.jpg
Ông Lê Quang Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh: Thời gian tới, UBND thành phố Hà Tĩnh cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ WWF sẽ cố gắng sớm xây dựng và ban hành kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa đến năm 2025.

Theo đó, TP Hà Tĩnh cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu không còn rác nhựa ngoài thiên nhiên vào năm 2030.

Với việc tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa, chính quyền TP Hà Tĩnh đã cho thấy sự quyết tâm trong công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải nhựa trên địa bàn, đặc biệt là nỗ lực xác định và gắn kết các bên liên quan để xây dựng và triển khai một kế hoạch hành động chiến lược với các mục tiêu, mốc thời gian và nguồn lực cụ thể.

130d5123213t97268l0-1637306394.jpg
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý - Giám đốc Chương trình WWF Việt Nam: WWF Việt Nam cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ TP Hà Tĩnh các nguồn lực kỹ thuật và tài chính, chia sẻ các thực hành và giải pháp tốt nhất trong quản lý rác thải nhựa.

Được biết, TP Hà Tĩnh là đô thị thứ 8 trong cả nước tham gia chương trình này bên cạnh các địa phương: TP Phú Quốc và TP Rạch Giá – tỉnh Kiên Giang; quận Thanh Khê – TP Đà Nẵng; tỉnh Phú Yên; TP Tân An – Long An; TP Huế, huyện A Lưới - tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đô thị giảm nhựa là một sáng kiến của WWF nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF xây dựng năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chương trình mong muốn tạo ra mạng lưới kết nối 25 đô thị không rác thải nhựa tại Đông Nam Á vào năm 2025; là bước đệm để đạt được con số 1.000 đô thị không rác thải nhựa trên toàn thế giới vào năm 2030.

Thông qua dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, WWF - Việt Nam cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ TP Hà Tĩnh các nguồn lực kỹ thuật và tài chính, chia sẻ các thực hành và các giải pháp tốt nhất trong quản lý rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam tới Hà Tĩnh. Đồng thời giới thiệu các kết quả đạt được của TP Hà Tĩnh tới bạn bè quốc tế qua trang web www.plasticsmartcities.org của chương trình, từ đó xây dựng TP Hà Tĩnh trở thành một thành phố “xanh”, an toàn cho sức khỏe của con người và môi sinh./.