Trong nguồn ngân sách 350 tỷ đồng, dự kiến TP Hà Tĩnh sẽ dành nguồn vốn lớn nhất cho việc trả nợ công trình hoàn thành (140 tỷ đồng); đầu tư các công trình khởi công mới là 80 tỷ đồng…
Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách thành phố năm 2021, sẽ dành 40% cho thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản...
UBND thành phố Hà Tĩnh vừa đưa ra kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách thành phố năm 2021. Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển năm tới trên địa bàn thành phố khoảng 350 tỷ đồng.
Trong đó, 140 tỷ đồng dành để trả nợ công trình hoàn thành, tương đương khoảng 40% tổng vốn; bố trí nguồn vốn các công trình chuyển tiếp 80 tỷ đồng (gần 22,9% tổng vốn); nguồn vốn đầu tư các công trình khởi công mới 80 tỷ đồng (gần 22,9% tổng vốn); hỗ trợ đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ khác (các chương trình mục tiêu; đối ứng cơ chế chính sách của tỉnh; cơ chế xi măng) khoảng 50 tỷ đồng (chiếm hơn 14,2% tổng vốn).
Theo UBND thành phố, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách thành phố năm 2021 được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, gồm: bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng; vốn cho các dự án chuyển tiếp có khối lượng thanh toán; bố trí vốn để thực hiện các cơ chế chính sách của thành phố và đối ứng các cơ chế chính sách tỉnh và vốn cho các dự án khởi công mới.
... khoảng 50 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu và đối ứng cơ chế chính sách của tỉnh.
Đối với danh mục khởi công mới, năm 2021, vốn đầu tư tập trung vào các công trình gắn với triển khai các đề án thuộc Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, trọng tâm chính là đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Cùng với đó, thành phố Hà Tĩnh cũng đề xuất tỉnh bố trí vốn đầu tư từ năm 2021 cho một số dự án trọng điểm thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 như: dự án đường Xuân Diệu kéo dài từ đường bao khu đô thị Bắc đến đường Ngô Quyền (tổng mức đầu tư là 227 tỷ đồng); đường Nguyễn Du kéo dài đến đê Đồng Môn (tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng); quy hoạch, cải tạo thoát nước, nâng cấp cảnh quan khu vực Hào Thành gắn liền với phát triển tuyến đi bộ (tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng); nâng cấp hồ Đập Bợt (30 tỷ đồng)…/.