"Các hệ thống phòng không của chúng tôi đang nghiền nát vũ khí của Mỹ (ở Ukraine), hàng chục hệ thống vũ khí này đã bị phá hủy", Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 4/6.
Tuy ông Putin không đề cập cụ thể loại vũ khí này, song trước đó giới chức Nga nói rằng lực lượng của họ đã phá hủy cả máy bay và tên lửa của Ukraine.
Đây là bình luận đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga về các đợt viện trợ vũ khí mới của Mỹ dành cho Ukraine, trong đó có hệ thống pháo HIMARS.
Mỹ liên tục công bố các gói viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine có xu hướng leo thang nghiêm trọng ở vùng Donbass. Ukraine nhiều lần hối thúc Mỹ và các đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng để đối phó với đà tiến công của Nga.
Vài tuần trở lại đây, Washington đã chuyển cho Kiev hơn 100 lựu pháo hạng nặng M777. Mỗi khẩu pháo M777 nặng khoảng 3.400 kg, dài 10,6 m, kích thước nòng dài 508 cm. Mỗi khẩu đội gồm 8 thành viên, tốc độ bắn tối đa là 5 phát một phút. Khẩu pháo này có tầm bắn từ 30-40 km, tùy loại đạn pháo được sử dụng.
Đây được coi là một trong những vũ khí uy lực nhất mà phương Tây cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, M777 sẽ chưa thể phát huy đầy đủ năng lực ở chiến trường miền Đông Ukraine bởi Ukraine chưa kịp huấn luyện binh sĩ sử dụng tất cả các khẩu pháo mà Mỹ chuyển giao.
Quân đội Nga hồi cuối tháng 5 đăng tải video cho thấy các đội pháo tự hành Giatsint-S 152mm phá hủy lựu pháo M777 mà Mỹ chuyển cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 tiếp tục thông báo, Washington sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), đạn dược, radar đối kháng, một số radar giám sát trên không, tên lửa chống tăng Javelin, cũng như vũ khí chống tăng. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết, Mỹ "sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn để giúp họ tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường ở Ukraine".
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.
Quyết định viện trợ trên của Mỹ ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích của Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói, việc cung cấp các hệ thống tiên tiến của Mỹ cho Ukraine làm tăng nguy cơ "nước thứ 3" bị kéo vào cuộc xung đột. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo về nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mỹ ngày càng gia tăng, đồng thời nói thêm rằng hành động "đổ thêm dầu vào lửa" của Mỹ không giúp thúc đẩy giới lãnh đạo Ukraine nối lại các cuộc hòa đàm đang bị đình trệ./.