Tính cách người Nghệ: Chịu khó và chịu khổ
Người Nghệ Tĩnh nghèo nên trong tính cách họ đã hình thành nên thói quen chịu khó và chịu khổ. Họ chấp nhận cái khó như một điều hiển nhiên, chấp nhận sống tằn tiện chắt chiu như trong bản chất, khác với những vùng miền khác, họ ít khi kêu van than thở (có chăng chỉ tự thở than với chính mình).
Giai thoại ông đồ Nghệ với con cá gỗ trở thành bài học về tính “tiết kiệm” của người Nghệ. Nói đúng hơn, cá gỗ xuất hiện vì… khổ quá, vì ăn không đủ no nên mới “mộng mơ sáng tạo” cá gỗ. Có lẽ chính vì thế mà ở xứ Nghệ Tĩnh mới có những món ăn độc nhất vô nhị như “cà muối vại”, “nhút mít” và câu ca quen thuộc “nhút cà nhút, hết rồi múc”.
Chịu khó, chịu khổ là thế, nhưng trong tính cách người Nghệ Tĩnh họ luôn có một chí tiến thủ, một mơ ước thầm kín về tương lai. Họ chấp nhận sống cơ cực để đời con cháu thoát nghèo, lập nên nghiệp lớn. Lý tưởng trong tâm hồn – Trung kiên trong bản chất theo chữ của GS Vũ Ngọc khánh có lẽ bắt nguồn từ điều này.
Ở nước ta, khi nhắc đến đất Nghệ người ta xem đây là vùng đất học. Ham học, hiếu học đã đi vào từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân xứ Nghệ. Vì vậy, nhà nhà ai cũng mong con em mình học hành đỗ đạt và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để con cái được học tập thành danh, thành người dẫu chỉ bằng củ sắn củ khoai người Nghệ cũng dốc sức ăn học thành tài. Hiếu học trở thành một phẩm chất nổi trội, một hằng số trong văn hóa tính cách của người Nghệ. Đây là lý do mà xứ Nghệ Tĩnh luôn xuất hiện nhiều nhân tài có hoàn cảnh rất nghèo, rất nhiều người giỏi đã thành danh trong và ngoài nước.
Tính cách người Nghệ: trực tính và chân thành
Hôm trước có bài báo viết rằng “Người Nghệ thấy đúng mới phò”. Theo đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng một người Nghệ Tĩnh chính gốc đã nhấn mạnh rằng: “Người Nghệ sẽ không e ngại dấn thân khi thấy việc mình làm là đúng. Cái gì đã cho là đúng, thì khó khăn, thua thiệt vẫn làm. Từ đây một nét tính cách khác cũng hình thành, đó là sự trung kiên. Người Nghệ thấy đúng mới phò. Đã phò thì trung thành tuyệt đối. Phải chăng đây cũng là lý do tại sao từ ngàn xưa những cận vệ thân tín của vua, chúa thường đều là người Nghệ”.
Cũng trong bài viết này, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, một tính cách quan trọng khác của người Nghệ chính là trực tính. Điều này dễ hiểu, người Nghệ nói riêng và người miền Trung nói chung luôn có sao nói vậy, rất thẳng thắn. Nhiều người nơi khác không thích tính cách này của người Nghệ, bởi đôi khi thẳng thắn trở thành bốp chát, làm người đối diện dễ bị “quê độ”. Tuy nhiên, cần nói thêm, bộc trực trong tính cách người Nghệ Tĩnh không hề xấu, họ nói thẳng cũng là nói thật, và cũng xuất phát từ ý tốt (nếu không thì nói thật sẽ gây mất lòng, gây ảnh hưởng đến cái gọi là quyền lợi cá nhân).
Ngoài ra, cũng theo TS Dũng, người có thêm một đặc tính chuyên biệt “cố kết rất hợp tình mà không phải bao giờ cũng hợp lý theo kiểu đồng hương, đồng khói”. Điều này ai là người Nghệ xa phương cầu thực chắc sẽ hiểu, cho dù ở đâu, cứ nghe tiếng quê choa 37, 38 là tự nhiên xích gần nhau lại, cứ như nói trong phim kiếm hiệp “gặp nhau là anh em, đâu cần là ruột thịt” vậy. Tất nhiên, các vùng khác trên nước ta cũng có tình đồng hương, nhưng để nói đến độ chân thành theo kiểu quê choa có lẽ không nơi nào sánh kịp người Nghệ.
Ở trên là những tính cách nổi bật của người Nghệ Tĩnh mà Nghệ ngữ tổng hợp. Còn theo bạn, người quê ta còn tính cách gì nổi bật? Mong nhận được bài viết từ bạn qua email toiyeunghengu@gmail.com hoặc để lại tin nhắn trong phần bình luận.