Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 69 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 39 ca, số ca âm tính lần 3 là 55 ca.
 
Bản tin 6h ngày 20/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19. Việt Nam đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân. Hơn 125.000 người đang cách ly chống dịch trên cả nước.
 
Tính đến 6h ngày 20/02: Việt Nam có tổng cộng 1463 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 770 ca. Tính từ 18h ngày 19/02 đến 6h ngày 20/02: 0 ca mắc mới.
 
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 125.572 người. Trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 594 người; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.316 người; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 111.662 người.
 
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân COVID-19. 
 
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 69 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 39 ca, số ca âm tính lần 3 là 55 ca.
 
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay. Ngoài ra, có thêm 2 bệnh nhân nặng khác đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện dã chiến số 2 của Hải Dương.
 
Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục tăng nhân lực hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh. Hiện các cơ sở điều trị vẫn tiếp tục thực hiện tốt. Các y bác sĩ luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
 
Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã và đang tích cực làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine phòng bệnh COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời với đó là đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vaccine phòng bệnh COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.
 
Chiều ngày 19/2, TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine cho biết, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vaccine Nano Covax  "made in Việt Nam" phòng COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình…
 
Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.
 
Trước đó, sáng 19/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong năm 2021 để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều. Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều. 
 
“Như vậy, tổng số chúng ta có 60 triệu liều vaccine trong năm 2021. Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc xin. Tinh thần chung là thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo để đảm bảo vắc xin cho người dân, để đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch”- Bộ trưởng nhấn mạnh./.