Vì sao khuyến khích tiêm cùng 1 loại vaccine Covid-19?
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA, vaccine hoạt động dựa trên cơ sở “dạy hệ miễn dịch” của chúng ta cách nhận biết virus thật như thế nào. Hầu hết các vaccine được sử dụng hiện nay đều được thiết kế với 2 liều tiêm phòng (ngoại trừ vaccine Johnson&Johnson với 1 liều duy nhất). Hai liều này thường cách nhau tối thiểu 3 tuần và dài nhất là 12 tuần, giống như việc dạy 2 lần sẽ giúp nhớ lâu hơn.
Dù rằng cùng hướng đến việc ngăn ngừa bệnh Covid-19 nhưng các vaccine được bào chế bằng những công nghệ khác nhau có thể kích thích hệ miễn dịch với những cơ chế khác nhau khiến cho hiệu quả tốt hơn hoặc yếu hơn với nhiều hoặc ít phản ứng phụ hơn.
Tính đến ngày 4/9, TP.HCM đã nhận tổng cộng 10,3 triệu liều vaccine Covid-19 từ Bộ Y tế, trong đó có hơn 4,5 triệu liều vaccine AstraZeneca, hơn 571.000 liều vaccine Moderna, 312.510 liều vaccine Pfizer và 5 triệu liều vaccine Vero Cell.
Riêng với vaccine Moderna, toàn TP.HCM đã tiêm 624.418 liều, trong đó, mũi 1 là 518.821 liều và mũi 2 là 53.990 liều. Như vậy, số người chưa tiêm mũi 2 vaccine Moderna là rất lớn. Đến nay TP.HCM chưa nhận được vaccine Moderna để tiêm cho người chưa tiêm mũi 2. Ngành y tế TP.HCM đang tính các giải pháp thay thế, phù hợp nguyên tắc về khoa học và chuyên môn.
Tuy nhiên, hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ cho phép thực hiện duy nhất hình thức tiêm trộn giữa mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 Pfizer; còn lại các vaccine khác đều tiêm cùng loại.
Do vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc chích vaccine bằng những liều giống nhau vẫn được khuyến cáo ưu tiên hàng đầu và hầu hết các nước trên thế giới chỉ tiến hành việc trộn vaccine khi thực sự “cần phải làm việc đó” và “phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể”.
Kết quả nghiên cứu về trộn vaccine Covid-19 trên thế giới ra sao?
TS. Hồng Vũ cho biết, đến nay các kết quả về nghiên cứu trộn vaccine bắt đầu có nhiều hơn để các tổ chức y tế trên thế giới tham khảo và định hướng cho chiến lược vaccine của. Cụ thể các nghiên cứu về trộn vaccine có thể kể ra như sau:
Trộn giữa vaccine Covid-19 của AstraZeneca và mRNA vaccine có số liệu nghiên cứu được xem là nhiều nhất hiện nay. Trong những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sau liều 1 bằng vaccine của AstraZeneca với liều 2 của Pfizer/BioNTech có thể sẽ tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh hơn (được đo bằng lượng kháng thể trong máu) so với 2 liều AstraZeneca.
Ngoài ra, nếu 2 liều này cách nhau khoảng 4 tuần thì việc kết hợp của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech có thể làm tăng triệu chứng phụ nhưng nếu khoảng cách 2 liều là trên 8 tuần (trong nghiên cứu của nhóm Belda-Iniesta ở Tây Ban Nha) hoặc từ 10-12 tuần (trong nghiên cứu của nhóm Leif Erik Sander ở Đức) thì triệu chứng phụ không đáng kể và thậm chí còn tăng hiệu quả của vaccine.
Ngoài ra, việc kết hợp giữa vaccine của AstraZeneca và Moderna tuy không nhiều như Pfizer/Biotech nhưng cũng cho kết quả tương tự.
Trộn giữa vaccine Covid-19 của Trung Quốc (Sinopharm, Sinovac) và vaccine khác như Pfizer, Moderna hay AstraZeneca. Dù rằng việc trộn liều này đã được thực hiện ở nhiều nước vì sự nguy cấp của tình hình dịch bệnh như: Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Chile, Thái Lan, Campuchia,… Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về việc trộn liều với vaccine Trung Quốc vẫn còn rất hạn chế cho đến hiện nay.
Trộn giữa 2 loại vaccine Pifzer/BioNTech và Moderna, tuy nhu cầu của việc trộn liều này không nhiều nhưng cũng xảy ra ở một số trường hợp mà nguồn cung cấp các vaccine không đồng đều, thiếu hụt. Vì nhu cầu không cao nên hiện nay chưa có nghiên cứu nào về độ an toàn và hiệu quả khi tiêm trộn 2 loại vaccine này.
Theo thông tin của CDC (Mỹ), "dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của việc trộn liều này chưa được đánh giá. Cả hai liều cần phải được hoàn thành với cùng một loại vaccine". Tuy nhiên, CDC cũng đưa một hướng giải quyết "trong các tình huống ngoại lệ mà sản phẩm vaccine mRNA tiêm cho liều đầu tiên không thể xác định được hoặc không có, thì bất kỳ vaccine mRNA Covid-19 hiện có nào, có thể được sử dụng làm mũi 2 với thời gian cách mũi đầu tối thiểu 28 ngày để hoàn thành việc tiêm chủng".
“Nói tóm lại, vì lý do an toàn và hiệu quả của các loại vaccine Covid-19 hiện nay, việc trộn liều vaccine nên được hạn chế tối đa, chỉ nên làm khi “không có sự lựa chọn khác” và nên dựa trên “các bằng chứng khoa học thực nghiệm cụ thể” để đưa ra chiến lược trộn liều”, TS. Vũ cho biết.