Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức.

Trong số 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng chống, đáng chú ý là hành vi số 18: “Tổ chức tiệc cưới, lễ tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, Tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, luân chuyển, chuyển công tác...) một cách phô trương hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, lễ tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác”.

tiec-chia-tay-giam-doc-cdc-quang-ninh-co-nhieu-bieu-hien-tieu-cuc-1660095763.jpg
Hai du thuyền tổ chức bữa tiệc có sự tham gia của CLB giám đốc CDC miền Bắc, CDC Quảng Ninh, khách mời, cán bộ nhân viên Công ty CP y tế Đức Minh tối 30/6.

Nhiều người liên tưởng đến vụ việc những bữa tiệc chia tay ông Ninh Văn Chủ nghỉ hưu được tổ chức quy mô, hoành tráng với hàng trăm người tham dự ở khách sạn sang trọng và du thuyền 5 sao tại thành phố Hạ Long.
Vụ việc này hiện đang được Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy bộ phận Trung tâm CDC Quảng Ninh và ông Ninh Văn Chủ, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ phận Trung tâm CDC Quảng Ninh, nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh.

Có dấu hiệu tiêu cực

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, rõ ràng trong vụ việc này có dấu hiệu tiêu cực của cán bộ, đảng viên.

“Dù anh đương chức hay nghỉ hưu, khi cuộc sống người dân đang khó khăn sau khi dịch bệnh hoành hành, khi nhiều nhân viên y tế trên cả nước bị nợ lương, nhân viên y tế bỏ việc…một Giám đốc CDC trước hết cần ứng xử thế nào cho phù hợp. Ở đây lại tham dự những bữa tiệc xa hoa lên đến hàng trăm người để chia tay mình, còn có cả băng rôn để khẳng định việc chia tay đó, về mặt ý thức là không nên, huống hồ chia tay là một cơ hội cho nhiều người coi việc chia tay, lên chức, lên cấp, tân gia…để thu lại lợi ích về mình”, ông Lê Như Tiến nói.

Nhắc lại việc từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội về “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh”, ông Tiến đặt câu hỏi: “Đây có phải thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, rồi muốn làm chuyến tàu vét để tận dụng trục lợi hay không?".

Theo ông Lê Như Tiến, xét về mặt nào cũng không nên đồng ý tổ chức tiệc tùng và tham dự để chia tay mình nghỉ hưu. Bởi khi nghỉ hưu là khi đã hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó thì nên lặng lẽ như tất cả những người khác khi về hưu.

“Một thủ tục chia tay đơn giản gọn gàng của cơ quan, cầm quyết định. Khi đó dư luận xã hội không ai có ý kiến gì cả. Khi mình đã làm rùm beng, phô trương như thế, chia tay chắc chắn có quà cáp, tri ân này kia sẽ gây hệ lụy vô cùng, làm nặng nề đối với xã hội, cho nên dư luận người ta lên án là đúng thôi”, ông Tiến nói.

Cần nhanh chóng xác minh, làm rõ

Trong bữa tiệc chia tay ông Ninh Văn Chủ - nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh về hưu được tổ chức hoành tráng trên 2 chiếc du thuyền sang trọng có tên Âu Cơ 1 và Âu Cơ 2 thuộc Tập đoàn Du thuyền Bhaya vào ngày 30/6, đáng chú ý, người dẫn chương trình giới thiệu bữa tiệc được đồng tổ chức bởi CLB Giám đốc CDC miền Bắc và CDC Quảng Ninh kết hợp với Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh. Bữa tiệc có sự tham dự của hơn 140 khách tham dự trong hành trình 2 ngày 1 đêm tham quan và nghỉ đêm trên vịnh.

Trong đó, Công ty y tế Đức Minh đang bị điều tra việc nhập kit test COVID-19 hàng nghìn tỷ (lớn hơn Việt Á) và bán giá gấp đôi giá nhập và hiện vẫn chưa có kết luận. Dư luận đặt câu hỏi: Nếu Đức Minh đài thọ cả trăm người đi du lịch trên du thuyền vậy có khách quan trong sáng không?

Nêu ý kiến về việc này, ông Lê Như Tiến cho biết, việc Công ty Đức Minh tham gia đồng tổ chức bữa tiệc trên du thuyền khiến dư luận đặt câu hỏi: Dưới thời ông Ninh Văn Chủ làm Giám đốc CDC Quảng Ninh hay Chủ nhiệm CLB Giám đốc CDC miền Bắc, công ty Đức Minh có được ân huệ gì không?

"Nếu thế sẽ càng nguy hại hơn. Nếu ông Giám đốc CDC Quảng Ninh tự bỏ tiền túi mình ra để tổ chức bữa tiệc có khi còn phần nào thông cảm được, dư luận cũng chỉ cho là quá khoa trương thôi. Tuy nhiên, nếu công ty từng được hưởng ân huệ mà tổ chức như để trả ơn thì là vấn đề đáng bàn. Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần sớm vào cuộc để xác minh, làm rõ trắng đen, trả lời trước dư luận", ông Lê Như Tiến nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ mối quan hệ giữa Giám đốc CDC Quảng Ninh và Công ty Y tế Đức Minh để tránh dư luận có nhiều ý kiến nghi hoặc. Cơ quan điều tra cũng cần vào cuộc làm rõ, nếu có vấn đề thì phải xử lý theo quy định.

Công ty y tế Đức Minh từng bị điều tra việc nhập kit test COVID-19

Đầu tháng 2/2022, Tổng cục Hải quan công bố thông tin Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh đã nhập khẩu test COVID-19 trong 2 năm (2020-2021) có kim ngạch 3.437 tỷ đồng với các mức giá từ 106.000-150.000 đồng/test, sau đó bán cho các đơn vị y tế trong nước với giá từ 250.000-395.000 đồng/test.

Cụ thể, test COVID-19 dùng cho máy PCR nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc là hơn 9 triệu test, tổng trị giá khoảng 927 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá khai báo test COVID-19 (từ Tây Ban Nha) trung bình từ 106.000-130.000 đồng/test, tổng trị giá 121 tỷ đồng; Giá test COVID-19 (từ Hàn Quốc) trung bình từ 96.000-150.000 đồng/test, tổng trị giá 806 tỷ đồng. Công ty này cũng nhập test nhanh tại chỗ từ Hàn Quốc khoảng 41 triệu test, giá khai báo trung bình khoảng 86.000-130.000 đồng/test với tổng trị giá hơn 2.509 tỷ đồng.

Cơ quan hải quan cho biết qua xác minh ban đầu, Công ty Y tế Đức Minh đã phân phối kit test COVID-19 cho các cơ sở y tế, bệnh viện đa khoa và công ty trên toàn quốc với giá bán theo hóa đơn bộ test COVID-19 dùng cho máy PCR từ 250.000-395.000 đồng/test, bộ test nhanh COVID-19 tại chỗ là 198.000 đồng/test.

Trên website, Công ty Đức Minh giới thiệu: “Được thành lập tháng 7/2001 với tên gọi là Công ty cổ phần Dược phẩm Đức Minh viết tắt (ALMEDIC JSC). Đến tháng 7/2007 ALMEDIC JSC trở thành hệ thống công ty Mẹ - Con với 9 thành viên hoạt động trên cả nước Việt Nam. ALMEDIC JSC tập trung vào lĩnh vực kinh doanh thương mại phục vụ ngành Y tế theo 3 nhóm sản phẩm chính là vắc xin, sinh phẩm chẩn đoán và dược phẩm.

Năm 2007 khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới, Ban giám đốc ALMEDIC JSC quyết định tái cấu trúc thành lập Tập đoàn y tế AMV (AMV Group).

AMV Group tập trung trong lĩnh vực kinh doanh, phát triển thương mại, hợp tác quốc tế và đầu tư theo 5 ngành hàng chính là vắc xin, sinh phẩm chẩn đoán, dược phẩm, thực phẩm chức năng và dịch vụ y tế.”

Hiện Tập đoàn y tế AMV có 7 công ty thành viên, 20 chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước gồm: Công ty cổ phần Y tế Đức Minh; Công ty cổ phần Y tế AMVGROUP; Công ty TNHH AMV Vaccine; Công ty TNHH AMV Diagnostic; Công ty TNHH AMV Pharmaceutical; Công ty TNHH AMV Gentical; Công ty TNHH AMV Minh Long; Công ty cổ phần y tế AMV Hoàng Liên; Công ty cổ phần Công nghệ xanh Đông Sơn; Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Gentical Lạc Long Quân… Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp là ông Nguyễn Bình Minh (SN 1971), ông Minh đồng thời cũng đang sở hữu 90% cổ phần tại Y tế Đức Minh. 10% còn lại chia đều cho ông Lê Quốc Hoàn (SN 1963) và bà Nguyễn Thị Xuân Hồng (SN 1975) nắm giữ./.