Để đảm bảo an toàn, một số chủ tàu yêu cầu hoặc ưu tiên việc làm cho các thuyền viên được tiêm vaccine. Nếu không được tiêm sớm, thuyền viên Việt Nam sẽ mất rất nhiều cơ hội việc làm.
Khó tiếp cận vaccine
Ông Trần Đại Hải, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng shipping) cho biết, thuyền viên được xem là đối tượng ưu tiên trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu (vận tải) tại Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Tuy nhiên, gần 6 tháng qua, toàn bộ thuyền viên của đơn vị này vẫn chờ vaccine như “ngóng mẹ về chợ”.
“Tân Cảng shipping có 80 thuyền viên đang làm việc trực tiếp trên 4 tàu (2 tàu chạy định hạn quốc tế, 2 tàu chạy tuyến nội địa) và 30 thuyền viên dự trữ trên bờ. Chúng tôi đã nộp danh sách đề xuất tiêm vaccine cho 40 thuyền viên nội địa nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, để tăng tốc tiến độ tiêm vaccine cho lực lượng lao động, Tân Cảng shipping đã đề nghị đơn vị thuê tàu chạy tuyến quốc tế hỗ trợ thuyền viên được tiêm chủng tại cảng địa phương (Malaysia).
Mặc dù vậy, việc tiếp cận vaccine vẫn khó khăn do nguồn cung tại Malaysia cũng hạn chế.
Nhiều tháng qua, ông Lê Việt Trung, Phó TGĐ phụ trách Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông cũng rất sốt ruột khi đơn vị đang có 144 thuyền viên làm việc trên các tàu dầu tàu container nội địa.
Song, hiện tại, chưa một thuyền viên nào được tiêm vaccine dù danh sách đề xuất đã được gửi đi từ gần 2 tháng trước.
May mắn hơn, Công ty CP Vận tải dầu Phương Đông Việt (PVTrans Oil) vừa có 20 thuyền viên được làm thủ tục và tiêm vaccine thành công khi cập cảng biển của Ấn Độ với tổng chi phí xấp xỉ 1.000USD (chi phí đi lại, chi phí đi bờ và chi phí tiêm).
Thế nhưng, theo ông Lê Vĩ Linh, Trưởng phòng Nhân sự thuyền viên của PVTrans Oil, trong khi việc liên hệ tiêm vaccine cho thuyền viên ở nước ngoài “le lói” ánh sáng thì hành trình tiêm vaccine của thuyền viên tại các tỉnh, thành Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.
Mới đây nhất, PVTrans Oil lên kế hoạch tiêm vaccine cho khoảng 40 thuyền viên cư trú tại Hải Phòng và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên, TP Hải Phòng lại có thông báo tạm dừng tiếp nhận công dân (bao gồm cả công dân người Hải Phòng) từ các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên không thể đưa thuyền viên vào tiêm. Tỷ lệ tiêm vaccine trong 200 thuyền viên của công ty hiện mới chỉ đạt hơn 10%.
“Các địa phương cần có chính sách ưu tiên cho đối tượng đặc thù này được đến địa điểm tiêm ngay khi có thể để họ yên tâm hành trình những chuyến tàu kế tiếp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa bằng đường biển”, ông Linh nói.
Ông Trần Hữu Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải và đầu tư Thương mại An Thái (Ataco) cho biết, trong tổng số hơn 100 thuyền viên chạy chặng xa đi Mỹ, tỷ lệ được tiêm vaccine là 10%. Còn khoảng 400 thuyền viên đi tuyến nội Á, số lượng được tiêm chủng mới chỉ hơn 50 người.
“Hàng hóa đến đâu, thuyền viên được tiêm đến đó”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, đã có nhiều văn bản giao các cảng vụ chủ động phối hợp với doanh nghiệp lập danh sách thuyền viên tiêm vaccine, cùng nhau trao đổi, kiến nghị các địa phương để thuyền viên được tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Đáng chú ý, tại một số quốc gia như: Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Hà Lan, Bỉ đã có chính sách tiêm vaccine cho thuyền viên không kể quốc tịch. Việc tiêm vaccine cũng được đội ngũ y tế của họ thực hiện ngay tại cầu cảng.
“Nắm bắt cơ hội này, Cục Hàng hải VN phối hợp với các cơ quan y tế trong nước trao đổi với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ đề nghị xem xét cơ chế ưu tiên nguồn vaccine cho thuyền viên Việt Nam.
Theo thống kê của CVHH Hải Phòng, hiện tại, đơn vị này đã tiếp nhận danh sách đăng ký gồm hơn 4.400 người từ các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động hàng hải đề nghị được ưu tiên tiêm vaccine. Trong đó, có 9 doanh nghiệp vận tải biển đăng ký với 399 thuyền viên.
Xác định tuyến vận tải biển Việt Nam - Singapore là tuyến hàng hải quan trọng, đông đúc tàu qua lại, Cục Hàng hải VN cũng đề nghị chính quyền cảng nước ưu tiên tiêm vaccine cho thuyền viên Việt Nam ngay khi đến cảng Singapore hoặc từ cảng biển nước này đến Việt Nam”, ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, tới đây, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng của một số nước khác như: Ấn Độ, Hà Lan để tìm hiểu cơ chế hợp tác. Mục tiêu là tạo chuỗi liên kết để hàng hóa đi đến đâu, thuyền viên sẽ được tiêm vaccine đến đó.
Liên quan đến việc triển khai tiêm vaccine trong nước, theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó giám đốc Ataco, hiện lực lượng thuyền viên phân tán mỗi người một nơi, việc tập trung tại một địa điểm (công ty) để tiêm chủng là tương đối khó khăn, nhất là đối với thuyền viên đang ở khu vực thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa.
“Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đưa thuyền viên là đối tượng được ưu tiên cụ thể (thay vì quy định chung trong nhóm vận tải như hiện tại - PV) để ở địa phương nào họ cũng có thể được tiêm vaccine”, ông Vinh đề xuất.