re-1699344858.jfif

Ngày xưa, ông cha ta đã từng răn dạy con cháu mình: “Thất bại là mẹ của thành công”. Hơn thế nữa, họ còn dạy con cháu phải biết đứng dậy và khôn hơn sau những lần vấp ngã...

   Ấy thế mà, qua bao nhiêu lần vấp ngã, người nông dân Việt từ Bắc chí Nam vẫn chưa thể nào khôn lên được(!?). Đó là cái lý để người viết giận, buồn và thương cho họ.

   Những cú vấp ngã đã khiến cho bao người nông dân Việt Nam quanh năm chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, gán lưng cho trời mong được đổi đời từ sản phẩm họ làm ra nhưng rồi, tất cả lại trở thành vô nghĩa….

  Trước tiên đi từ miền Bắc, người dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng mấy năm trước đổ xô trồng xanh, si. Do giá xanh si, từ loại cây đã được tạo thành các loại thế đẹp đến loại chưa thành hình thù gì cho đẹp mắt người tiêu dùng, nhưng vẫn được mua với giá trên trời… Kết quả, nông dân bỏ trồng lúa, lấy đất trồng xanh, si để kiếm lời nhanh chóng. Hàng ngàn mẫu đất ở các huyện phía Nam của tỉnh Nam Định quê tôi được nông dân quật lên thành luống và tạo ụ để trồng xanh, si. Họ chăm chút, bón phân, cắt tỉa cành cho cây. Chỉ một thời gian ngắn, những “cánh đồng” cây cảnh đã tỏa bóng xanh um. Đi dọc con đường quốc lộ và tỉnh lộ, nhìn những cánh đồng xanh si thật mát mắt, nghĩ rằng dân Việt sắp đổi đời!!!? Ngay ở quê tôi, vùng quê nghèo nàn đói kém, mà đến hơn 30 năm xa quê, tôi vẫn chỉ thấy những ngôi nhà cũ kĩ, mốc meo rêu phong cũng nhập cuộc. Ông chú tôi có cây xanh trồng trên ngọn giả sơn nho nhỏ khoảng 15 năm được trả với giá 57 triệu đồng. Thấy giá cao, lại đang sốt xanh, si; ông chú tôi định găm lại không bán. Nghe kể lại, tôi giục: Theo con, cụ bán đi; nếu muốn kinh doanh tiếp, mua cây nhỏ hơn, kí vào đá lại có tiền. Rất may, ông chú tôi đã kiếm được 1 khoản tiền lớn cho tuổi già... Nhưng rồi, hàng xanh si bán được vài năm, phía Trung quốc không nhập nữa, giá những cây xanh, si cảnh đang từ hàng trăm triệu đồng – như nhà bạn tôi có 3 cây si cảnh rất  đẹp – toàn thế Long giáng hẳn hoi, lái buôn trả gần 200 triệu, đứa con gái còn nhận để làm của hồi môn. Tôi giục bán, bạn tôi chần chừ, cuối cùng chẳng ai hỏi đến; nói chi những gốc xanh, si chưa vào thế, hoặc mới được trồng? Kết quả là những cánh đồng xanh si giờ đây um tùm không người chăm sóc, bán chẳng ai mua, làm củi đốt cũng không xong vì loại củi này nhiều khói... Và, thế là đất trồng lúa – lúa tám thơm cũng đang cạn kiệt, nhu cầu người tiêu dùng không được thỏa mãn, khiến cho giá gạo tám thơm Hải Hậu ngày càng lên giá mà không có để bán...

   Nhiều gia đình oải vì cây, nhưng cũng có người vẫn cần mẫn chăm sóc, cắt tỉa; chờ thời... Nhưng đến bao giờ mới bán được, xanh si ơi???

   Đấy là chưa nói đến việc những năm gần đây, người Hải phòng và các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ nước ta lại đua nhau thu gom cây Hải đường – một loài hoa đẹp để xuất sang Trung Quốc. Và, nông dân Việt lại quyết trồng Hải đường, rồi...lại ế!

  Ngay đầu năm nay, hàng nghìn chuyến xe tải mang dưa hấu từ các tỉnh miền Nam ra cửa khẩu Tân Thanh chờ xuất sang Trung Quốc; nhưng rồi chờ đợi và chờ đợi để qua cửa khẩu. Nhưng than ôi, những xe dưa cứ dài thêm, mà phía Trung Quốc chậm chạp nhập, thậm chí không nhập ... và dưa cứ thối hàng ngày... Hàng ngàn xe dưa với trọng tải mỗi xe hàng vài chục tấn... Mất bao công sức, tiền của trồng, chăm sóc, thu hoạch rồi vận chuyển phải đổ bỏ làm ô nhiễm môi trường!Ngay ở nơi trồng dưa, người nông dân ngán ngẩm, bứt dưa cho trâu bò ăn, đến nỗi chúng cũng phát ngán! Nhưng, chỉ sau gần 1 tháng, Trung Quốc lại nhập ...dưa, nhưng dưa đã hết mùa; lấy gì mà xuất? Điệp khúc này cứ diễn ra, thì nông dân nước mình làm đến bao giờ mới giàu cho được; hay lại phá sản không phanh? Mới đây thôi (tháng 4/2014) nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) lại khóc trên đống ớt. Có gia đình trồng tới 5000 m2 ớt Demon. Cả tỉnh Đồng Tháp bỏ ra 2000 hecta đất để trồng ớt (theo lời dụ dỗ của thương lái Trung quốc) vì được hứa hẹn mua với giá cao. Nhưng rồi, giá ớt cứ rớt thê thảm, mỗi kílô ớt người nông dân Đồng Tháp lỗ tới 5 – 6000 đ. Mà, mỗi hécta đất có năng suất 20 – 25 tấn, tức là toàn tỉnh có khoảng 50.000 tấn/năm. Suy ra, nông dân đã “lãi” khoảng tầm 300 tỷ khi nghe theo thương lái Trung Quốc! Sự phá sản của nông dân đã tạo nên hệ lụy mất vốn ngân hàng vì nông dân không có tiền trả lãi và gốc... Lớn hơn, đó còn là ảnh hưởng tới nền kinh tế Quốc gia vốn đã rệu rã và nghèo túng!

   Cũng ở miền Nam, bà con nông dân hí hửng khi thương lái Trung Quốc mua mỡ lợn với giá cao. Nhiều trang trại, gia đình vỗ cho lợn chóng béo, trọng lượng mỗi con lên tới cả 100 kg. Nhưng rồi, sau khi bán cho thương lái Trung Quốc được một vài đợt, nông dân lại ế hàng vì thương lái không mua nữa. Dân Việt lâu nay không thích ăn mỡ động vật, biết bán cho ai? Và, thế là nông dân ngồi nhìn lũ heo nặng cả tạ mà rầu rĩ vì không có tiền trả lãi ngân hàng!?

   Nỗi đau ấy cũng đã có ở vùng các huyên phía Nam của tỉnh Nam Định quê tôi, khi Trung Quốc thu mua lợn con với giá 1 triệu đồng/1con. Nhiều gia đình nông dân đã đầu tư nuôi hàng chục, thậm chí vài chục con lợn mẹ để “sản xuất” lợn con bán cho phía bên kia! Bán được vài lứa lợn con, bên kia không mua nữa, mà bán lại với giá rẻ bằng 1/5... Nông dân quê tôi lại ngày ngày chăm lợn mà khóc cho nỗi đau vì bị lừa...

   Nông dân nước mình, vốn đã nghèo, trước đây “6 tháng trông cây...”; giờ đây vẫn thế! Nếu cứ bị lừa, biết đến bao giờ mới đổi đời được?

   Kể cũng lạ, nước ta có nhiều cơ quan quản lý hành chính với đầy đủ chức năng: Quản lý thị trường, đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghệ môi trường, công thương... từ Trung ương đến địa phương... mà không một cơ quan nào khuyến cáo nông dân để cho họ tỉnh táo trước những cám dỗ từ cái lợi trước mắt nhưng lại ẩn chứa hiểm họa khôn lường? Họ để thương lái Trung Quốc cứ hoành hành vô đối ở Việt Nam... khiến cho nông dân Việt càng ngày càng nghèo túng!

    Chao ôi! Nghĩ mà thương cho nông dân đất Việt!