Ngày 29/8, ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu (xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) - cho biết, những ngày qua, vườn đu đủ của các xã viên đã được thương lái đến thu mua hết với số lượng hơn 70 tấn.

q-1693555750.jpg
13,3ha đu đủ của Hợp tác xã Tây Hiếu đang chín và được thương lái thu mua giá cao (Ảnh: Nguyễn Duy).

Ông Trung cho biết, giá bán đu đủ tăng từng ngày. Trước đây, đu đủ chỉ bán ở mức 3.500 đồng/kg thì nay các thương lái đến thu mua với giá 6.000-7.000 đồng/kg quả. Nhiều chủ vườn phải thuê thêm nhân công hái để kịp bán, có vườn không còn hàng để bán.

"Vườn đu đủ chín từng nào được thương lái đến thu mua hết từng đó. Hiện trong vườn chỉ còn khoảng 130 tấn quả xanh chưa thể bán", ông Trung nói.

Theo ông Trung, có thể đợt này trùng vào rằm tháng 7, nhu cầu thị trường lớn dẫn đến giá đu đủ tăng mạnh.

qq-1693555786.PNG
Trước đó đu đủ của các hộ dân chín rụng đầy gốc vì Công ty Nafoods không thu mua theo hợp đồng (Ảnh: N.D).

Trước đó như Dân trí đã đưa tin, tháng 11/2022, Công ty cổ phần chanh leo Nafoods ký hợp đồng với Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu về việc cung cấp giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm. Theo hợp đồng, công ty này sẽ thu mua toàn bộ trái đu đủ do Hợp tác xã Tây Hiếu trồng để xuất khẩu sang Nga với giá 3.500 đồng/kg.

Sau khi ký hợp đồng, các thành viên trong Hợp tác xã đã cải tạo đất, mua giống cây đu đủ về trồng trên diện tích hơn 13ha. Đến tháng 7, khi đu đủ đã chín rộ thì Công ty Nafoods không thu mua như cam kết.

Công ty cổ phần chanh leo Nafoods sau đó đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng kinh tế với Hợp tác xã Tây Hiếu. Phía đại diện công ty cho biết, việc chậm trễ thu mua quả đu đủ cho người dân là do những tác động khách quan từ thị trường đầu ra, nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp.

4-1693555816.PNG
Hiện đu đủ chín liên tục và được thương lái đến tận vườn thu mua giá 6.000-7.000 đồng/kg.

Công ty không thu mua, người dân lại không dám tự ý thu hoạch để bán ra thị trường vì sợ vi phạm hợp đồng khiến hàng chục tấn quả đu đủ đã chín trên cây rụng vàng gốc, thối hỏng. Nhiều vườn đu đủ cũng bị bỏ bê, không còn được chăm bón, chất lượng cây bị ảnh hưởng.

Ngày 18/8, Công ty cổ phần chanh leo Nafoods đã đến làm việc và thống nhất thanh lý hợp đồng, hỗ trợ toàn bộ tiền giống và công chăm sóc cho Hợp tác xã nông nghiệp Tây Hiếu với mức 225 triệu đồng/ha.

Với hơn 13ha trồng đu đủ theo hợp đồng, Hợp tác xã Tây Hiếu đã nhận đủ 3 tỷ đồng hỗ trợ chi trả vào ngày 21/8.