Liên tiếp phát hiện thuốc "gia truyền" giả mạo giấy xác nhận của Bộ Y tế
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua phản ánh của báo chí, Cục đã phát hiện trường hợp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược của HTX Thuốc Nam Gia Truyền Dân tộc Dao số 7940/2018/ĐKSP ngày 5/10/2018 tại đường link https://www.dieutribuouco.xyz/vienyhoccotruyen là giả mạo.
Trên giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có ghi: Cục An toàn thực phẩm xác nhận đã nhận Bản công bố sản phẩm của HTX Thuốc Nam Gia Truyền Dân tộc Dao, địa chỉ ở thôn Hợp Sơn, xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội cho sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược phù hợp với tiêu chuẩn nhà sản xuất.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định không cấp giấy này cho sản phẩm nêu trên, đây là giấy giả mạo.
Trước đó không lâu, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông báo liên quan đến giả mạo giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm cho 1 loại thuốc đông y gia truyền.
Qua công tác hậu kiểm, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 4288/2020/ĐKSP ngày 15/5/2022 đối với sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm là giả mạo.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định, Cục không cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm thuốc đông y gia truyền viên xương khớp Mộc Y Lâm của hộ kinh doanh nhà thuốc gia truyền Phạm Anh Đào, có địa chỉ tại phòng 202, số nhà 10, ngõ 72 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ theo giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Vi phạm sẽ bị xử phạt nặng
Đối chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký bản công bố sản phẩm.
Tùy vào từng loại sản phẩm mà sẽ thực hiện đăng ký công bố sản phẩm, tự công bố sản phẩm hoặc có thể được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm theo như quy định.
Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm sẽ được quy định tại Điều 7 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Trường hợp thuộc đối tượng tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm sẽ căn cứ theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tự công bố sản phẩm như sau:
"4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; b) Tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật."
Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng (mức phạt đối với cá nhân), đối với tổ chức mức phạt tiền sẽ từ 80 - 100 triệu đồng.
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, trường hợp vi phạm này còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thu hồi thực phẩm và phải thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm./.