Ukraine buộc tội Nga không kích bệnh viện
Ngày 9/3, Ukraine cho biết, quân đội Nga hôm đó đã tiến hành một cuộc không kích vào một bệnh viện phụ sản ở Mariupol, khiến ít nhất 17 người bị thương và 3 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi vụ việc là "một hành động tàn bạo", đồng thời cho biết nhiều bà mẹ, trẻ em và nhân viên y tế hiện đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Nhân dịp này, ông Zelensky một lần nữa kêu gọi các nước phương Tây tăng cường trừng phạt Nga, buộc Nga phải "ngồi xuống bàn đàm phán".
Cùng ngày, mạng xã hội Twitter của Mỹ tràn ngập các thẻ (tag) liên quan "Bệnh viện Phụ sản Mariupol". Nhiều kênh truyền thông phương Tây và phía Ukraine đều lên án vụ không kích của Nga vào Bệnh viện Phụ sản Mariupol là "hành động tàn bạo".
Các kênh truyền thông lớn của phương Tây đã liên tiếp đưa tin về "cuộc không kích vào Bệnh viện Phụ sản Mariupol".
Nga phủ nhận, cho là Ukraine "tự dàn dựng"
Tuy nhiên, một trang web chuyên lật tẩy các tin giả của Nga đã đăng một bài báo vào ngày 9/3 nói rằng ông Zelensky đã tung ra "tin giả".
Bài báo làm rõ rằng, Bệnh viện Phụ sản Mariupol đã không hoạt động kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, và bị chiếm đóng bởi các phần tử vũ trang của tổ chức tân phát xít Ukraine "Tiểu đoàn Azov". Ngay từ cuối tháng 2, một số người mặc quân phục đã đến bệnh viện để xua đuổi nhân viên và thiết lập các ụ súng bên trong các tòa nhà bệnh viện.
Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia liên quan, người ta tin rằng kích thước của cái gọi là "hố bom" được đăng tải trên mạng xã hội không tương đồng với thiệt hại của các tòa nhà gần đó.
Vào ngày 10/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng, vì tôn trọng "chế độ im lặng" mà Nga và Ukraine đã thống nhất, nên các máy bay chiến đấu của Nga ở mạn Mariupol đã không thực hiện bất kỳ nhiệm vụ không kích mặt đất nào trong ngày hôm đó. Lời cáo buộc của phía Ukraine là một "sự khiêu khích được dàn dựng công phu".
Cùng ngày, tài khoản xã hội chính thức của Đại sứ quán Nga tại Anh đã đưa ra thông báo làm rõ, chỉ ra rằng "người phụ nữ mang thai bị tấn công" trong vụ việc được phía Ukraine thổi phồng thực chất là do một blogger nổi tiếng của Ukraine đóng giả.
"Đó thực sự là blogger làm đẹp [Ukraine] Marianna Podgurskaya. Cô ấy thực sự đóng vai cả phụ nữ mang thai trong các bức ảnh", đại sứ quán Nga tuyên bố.
Theo Reuters, các mạng xã hội Facebook và Twitter sau đó đã xóa các bài đăng này với lý do tài khoản của đại sứ quán Nga đã vi phạm quy định "cấm phủ nhận các vụ bạo lực" của các nền tảng này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết tại cuộc họp báo khi được phóng viên đài truyền hình ABC của Mỹ phỏng vấn về vụ việc: "Đây là lần thứ ba trong ngày hôm nay tôi được hỏi về Bệnh viện Phụ sản Mariupol, có nghĩa là bạn đã không nghe khi tôi kể chi tiết về quá trình của vụ việc này. Vụ việc này đã được báo chí phương Tây đưa tin rầm rộ vào ngày hôm nay".
Bệnh viện Phụ sản Mariupol đã bị chiếm đóng bởi các phần tử cực đoan của "Tiểu đoàn Azov". Họ đã đuổi các bà mẹ, phụ nữ mang thai, y tá và nhân viên đi khỏi đó, biến nơi này thành căn cứ của các phần tử cực đoan "Tiểu đoàn Azov", ông Lavrov nói.
Ông Lavrov cũng chỉ ra rằng, sự thật về bệnh viện phụ sản đã bị bóp méo nghiêm trọng, và nhiều kênh truyền thông phương Tây đã đưa tin về vụ việc một cách rất bi kịch.
Nạn nhân không may mắn
Theo tờ IBTimes SG, tài khoản Instagram của blogger chuyên về làm đẹp Marianna Podgurskaya - hiện có gần 50.000 người theo dõi, đã ngập tràn những thông điệp thù hận.
Vào tối thứ Năm (10/3), đã có hơn 25.000 bình luận về bức ảnh của Podgurskaya, trong đó một số người dùng đã cáo buộc cô đã tham gia vào một "buổi chụp ảnh giả", là "vô liêm sỉ". Phần lớn các bình luận này bằng tiếng Nga.
IBTimes SG cho biết, trong khi danh tính của người phụ nữ bị thương trong các bức ảnh ở bệnh viện vẫn chưa được xác định, thì Podgurskaya đang sống ở Mariupol và gần đây đã đăng tải lên Instagram một bức ảnh mình đang mang bầu rất lớn.
Theo IBTimes SG, bằng cách nhìn vào hoạt động trên mạng xã hội của Podgurskaya, có thể dễ dàng bác bỏ tuyên bố rằng cô đang mang thai giả bằng cách "trang điểm giống như thật".
Câu hỏi duy nhất là liệu cô ấy có phải là người phụ nữ được chụp ảnh sau vụ không kích Bệnh viện Phụ sản Mariupol hay không./.