"Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển"
Ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh tại lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo rất quan trọng, cụ thể đối với công tác này trong thời gian tới để Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đến các tỉnh, thành phố và ban, bộ, ngành làm cơ sở quan trọng thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.
Thông điệp mà Thủ tướng nêu ra tại lễ hưởng ứng là "Tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết".
Vì vậy, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Xuất phát từ những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức trong việc xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành và phổ biến pháp luật đến tất cả các tầng lớp nhân dân, để pháp luật thực sự "đi vào đời sống" và phát huy hiệu quả thiết thực với mục tiêu cao nhất là đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, an toàn và bình yên cho nhân dân.
Thủ tướng khẳng định: Tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong "ba đột phá chiến lược". Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển. Trong đó, phải thực sự chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng theo hướng các cơ quan truyền thông chính thống có nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt dư luận, nhất là giới trẻ.
Đây là giải pháp quan trọng để thu hút sự quan tâm của nhân dân, trước hết là các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành chính sách pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến việc chú trọng, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm lấy "người dân là trung tâm" để các cơ quan, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện từ xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi và truyền thông chính sách đến với người dân.
Muốn vậy, phải sớm có kế hoạch triển khai chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng đến Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, phát huy vai trò của ngành tư pháp và tổ chức pháp chế trong tham mưu triển khai thực hiện. Theo đó, những nội dung này cần được đưa vào chương trình hành động và nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai công tác năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, phải có sự gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi và phổ biến pháp luật, như một thực thể thống nhất. Đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác này như cha ông ta thường nói "thủ trưởng nào, phong trào ấy".
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì việc lấy ý kiến của nhân dân với các văn bản quy phạm pháp luật chưa như mong muốn, nên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án 407 về "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027".
Đề án xác định, các cơ quan xây dựng pháp luật chủ động tổ chức truyền thông chính sách pháp luật ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng chính sách, pháp luật. Các cơ quan truyền thông chính thông có trách nhiệm phối hợp và tăng cường truyền thông chính sách đó đến nhân dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, đây là giải pháp căn cơ để thúc đẩy sự tham gia của người dân, nhất là người chịu tác động đối với công tác soạn thảo, ban hành chính sách pháp luật, nếu làm được thực chất điều này thì pháp luật mới mang "hơi thở cuộc sống". Từ đó, người dân tham gia cũng phát huy được tính dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" để tuyên truyền phổ biến pháp luật "từ sớm, từ xa", tạo sự đồng thuận và phản biện hữu ích đối với chính sách, pháp luật. Đồng thời, các cơ quan cũng lắng nghe ý kiến của người dân từ khi soạn thảo để khi pháp luật được ban hành thì luật phát huy hiệu quả như là vấn đề tự nhiên bởi người dân đã được tham vấn từ trước.
Từ khi Đề án 407 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, nhiều bộ ngành, địa phương đã thực hiện rất tốt truyền thông chính sách.
Đơn cử như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động truyền thông về Luật Đất đai sửa đổi đang được nhân dân rất quan tâm. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, đối thoại với nhân dân ở các diễn đàn khác nhau đối với dự án luật này.
Triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân
Điều này cho thấy, các cơ quan chủ trì xây dựng chính sách, pháp luật cần lồng ghép ngay kế hoạch truyền thông chính sách, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức, bố trí nguồn lực, chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền, tạo sự lan tỏa của chính sách đến đông đảo nhân dân.
Thực hiện tốt điều này chính là triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng trong xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi và truyền thông chính sách.
"Muốn vậy, cần triển khai có hiệu quả năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, mà một trong những yêu cầu lớn đặt ra là đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả hơn theo hướng cơ quan nhà nước tạo lập điều kiện cần thiết, phát huy trách nhiệm của mình trong công tác với phương châm phục vụ nhân dân, người dân được tiếp cận pháp luật, chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đây chính là mối tương tác giữa Nhà nước và người dân mà cụ thể là cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần giải đáp, giải thích về các quy định của pháp luật để người dân nắm vững quy định để thực thi", ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Do đó, việc tuyên truyền và giải thích pháp luật đến được với người dân thì việc tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả thì việc tổ chức thi hành pháp luật sẽ đạt được mục tiêu khi ban hành văn bản đó. Điều này cũng đã được quy định rất rõ ràng trong Đề án 407 về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp… trong truyền thông chính sách và tiếp cận pháp luật của người dân.
Đây phải là giải pháp lâu dài, thường xuyên để thúc đẩy hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tạo dựng thói quen thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của người dân.
Là Cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để chủ động tổ chức thực hiện. Trong quá trình tổ chức triển khai, các bộ ngành, địa phương cần liên hệ với Hội đồng để trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ bất cập để công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân./.