“Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao ngành y tế, các cấp, ngành trong việc phòng chống, điều trị Covid-19 để không có ca nhiễm mới trong cộng đồng”, Thủ tướng nói.
Sáng 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, nghe ban chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 30 ngày qua, Việt Nam có thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế.
Cùng với đó, đẩy mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng.
Đặc biệt, sau sự việc hàng nghìn người khó khăn từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận.
Chủ trương nhân văn
Theo người đứng đầu Chính phủ, ở Việt Nam, hoạt động bình thường về kinh tế - xã hội và các mặt khác đã diễn ra tốt đẹp. Thủ tướng quán triệt chúng ta cần tiếp tục quản lý tốt bên trong và khóa chặt từ bên ngoài.
Đến nay, người đứng đầu Chính phủ nhận định Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong gần 1 tháng qua. “Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao ngành y tế, các cấp, các ngành trong vấn đề phòng, chống, điều trị Covid-19 để không có ca nhiễm mới trong cộng đồng”, Thủ tướng nói.
Ông cũng đề cập đến chủ trương nhân văn trong việc đưa công dân Việt Nam là người già, trẻ em, người bị kẹt ở một số nước về Việt Nam với số lượng khá lớn. Trong những trường hợp về nước có người nhiễm Covid-19, nhưng chúng ta đã chủ động cách ly an toàn, có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để lây nhiễm ra cộng đồng.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao công bố các tiêu chí về trường hợp đưa về nước để tiếp tục xem xét, bố trí theo lộ trình. Ông động viên người Việt ở nước ngoài nên yên tâm ở nước sở tại vì nếu về dồn dập sẽ không bảo đảm an toàn, gây khó khăn trong nước.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương trong việc đưa học sinh trở lại trường với gần 100% sĩ số và hiện chưa có sự cố nào. Đây là điều đáng mừng.
Biểu dương cố gắng của các cấp, các ngành, Thủ tướng yêu cầu lực lượng thực thi công vụ tiếp tục đề cao cảnh giác, không để lây nhiễm ra cộng đồng, đặc biệt không để lây chéo trong các khu cách ly, hiện có hơn 12.000 người.
Chưa cho phép khách du lịch nhập cảnh
Sau khi xem xét ý kiến của ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng khẳng định chúng ta không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Đây chính là điều kiện để thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, không được mất cảnh giác khi dịch bệnh còn lây nhiễm ở nhiều nước và chưa có vaccine, thuốc đặc trị. Các cơ quan chức năng tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nhất là chế độ trực của ngành y tế, để khi có trường hợp phức tạp xảy ra thì kịp thời xử lý tốt nhất.
Phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 sáng 15/5. Ảnh: VGP.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện một số nhiệm vụ.
Trước hết là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa cho phép nhập cảnh với khách du lịch, chỉ cấp visa đối với trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, khách công vụ tại Đại sứ quán các nước và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường kiểm soát cư dân đi lại qua đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ. Ngành y tế và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, duy trì các nhóm thông tin phản ứng nhanh để phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly, dập dịch kịp thời.
Với việc không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh du lịch nội địa và ngành du lịch để thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua. Trong từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng VHTTDL sẽ báo cáo lên Thủ tướng để xem xét.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thu hút các dòng đầu tư, có hình thức xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam để phát triển, đầu tư, làm ăn lâu dài có hiệu quả; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các thiết bị, khẩu trang y tế, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19.
Thủ tướng đề nghị ban chỉ đạo có biện pháp tổng kết một bước, đề xuất khen thưởng kịp thời cho các cấp, các ngành, cá nhân và đơn vị liên quan đã có nhiều thành tích trong phòng chống Covid-19.
Dù vậy, ông lưu ý các lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch như y tế, quân đội, công an không được lơ là, đặc biệt các địa phương trọng điểm, đông người. Đặc biệt, có chiến lược phòng chống dịch mới, vừa có hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế.
“Khi chưa có vaccine, nghĩa là phòng chống Covid-19 phải được xem là chiến lược lâu dài”, Thủ tướng nói.
Theo đánh giá của ban chỉ đạo quốc gia, 28 ngày qua Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.
Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.
Với trường hợp bệnh nhân 91 là phi công người Anh, hiện trong tình trạng nguy kịch, đã có chỉ định ghép phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép.