Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ công tác của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha trong khi chờ phán quyết về giới hạn nhiệm kỳ của ông, theo trang Al Jazeera.
Mặc dù ông Prayuth có thể được phục hồi chức vụ khi tòa án đưa ra phán quyết, nhưng việc ông bất ngờ bị đình chỉ hôm 24/8 đã khiến chính trường Thái Lan rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Theo một tuyên bố của Hiến pháp Thái Lan, cơ quan này đã xem xét bản kiến nghị và các tài liệu liên quan và thấy rằng các dữ kiện từ bản kiến nghị là phù hợp để đặt câu hỏi.
“Do đó, đa số ủng hộ đình chỉ công tác của ông Prayuth với tư cách Thủ tướng, có hiệu lực từ ngày 24/8/2022, cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết”, cơ quan này cho biết.
Bản kiến nghị, do đảng đối lập đệ trình được chuyển đến tòa án hôm 22/8, lập luận rằng nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Prayuth nên được tính từ năm 2014 sau cuộc đảo chính, và sẽ kết thúc vào năm 2022. Theo quy định của Hiến pháp Thái Lan, nhiệm kỳ Thủ tướng của quốc gia Đông Nam Á này không quá 8 năm.
Ông Prayuth có 15 ngày để phản hồi, Tòa án Hiến pháp Thái Lan nói với truyền thông trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Hội đồng Thẩm phán đã bỏ phiếu với kết quả 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống về quyết định đình chỉ công tác của Thủ tướng Prayut bắt đầu từ ngày 24/8.
Tuy nhiên, không rõ khi nào tòa án này sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về kiến nghị trên.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan sẽ đảm nhận vị trí Thủ tướng tạm quyền sau khi ông Prayuth bị đình chỉ.
“Nội các hiện tại sẽ tiếp tục nhiệm vụ như bình thường vì Tướng Prayuth chưa bị cách chức, chỉ bị đình chỉ chức vụ”, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam cho biết.
Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng đối lập Move Forward, nằm trong số những người ủng hộ bản kiến nghị, cho biết đất nước cần có ban lãnh đạo mới.
Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Thái Lan sẽ diễn ra vào tháng 5/2023.