Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Công điện số 750 của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).

Chiều 23/8, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra 7 trận động đất và dư chấn với độ lớn dao động 2,5-4,7 độ, gây rung lắc mạnh khiến người dân lo lắng.

7-tran-dong-dat-lien-tiep-tai-kon-tum-thu-tuong-chi-dao-khan-1661262970.jpg
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều 23/8. Ảnh:Viện vật lý địa cầu 

Sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu

Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tập trung một số nhiệm vụ.

Cụ thể, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất tại khu vực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó phù hợp.

UBND các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.

Cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp tránh gây hoang mang trong nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực, nhất là trên các tuyến giao thông chính, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường kỹ năng chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Liên tiếp xảy ra 7 trận động đất trong một buổi chiều

Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần (Việt Vật lý địa cầu) cho biết, trong chiều 23/8, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra 7 trận động đất.

Trận động đất thứ nhất mạnh 4,7 độ xảy ra lúc 14h08 chiều 23/8 tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Đây là trận động đất mạnh chưa từng có được ghi nhận tại khu vực. Ngay cả những người dân sinh sống tại TP Kon Tum, các huyện lân cận cùng một số địa phương của tỉnh Quảng Nam cũng cảm nhận được rung lắc.

Chỉ sau đó 3 phút, cũng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra trận động đất thứ 2 có độ lớn 3.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Đến 15h02 phút 9 giây (giờ Hà Nội) tiếp tục xảy trận động đất thứ 3 có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.801 độ vĩ Bắc, 108.238 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận động đất thứ 4 xảy ra lúc 15h27 phút 53 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.808 độ vĩ Bắc, 108.235 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận động đất thứ 5 xảy ra 16h15 phút 03 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 3.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.785 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Đến 17h31 phút 37 giây (giờ Hà Nội) xảy ra trận động đất thứ 6 có độ lớn 2.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.734 độ vĩ Bắc, 108.261 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Trận thứ 7 xảy ra khoảng 18h4phút 50 giây (giờ Hà Nội) ngày 23/8 có độ lớn 2.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.728 độ vĩ Bắc, 108.253 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trước đó chỉ trong 3 tuần kể từ 15/4 đến ngày 6/5, người dân huyện Kon Plông đã phải hứng chịu khoảng 44 trận động đất và dư chấn với độ lớn 2,5-4,5 độ./.