Sáng 28/8, Bộ GD&ĐT tổ chức trực tuyến Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2021-2022.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
HOÀN THÀNH MỤC TIÊU KÉP: VỪA DẠY HỌC, VỪA PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Năm học cũng diễn ra khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trong một thời gian dài học sinh, sinh viên không thể đến trường.
Đứng trước những yêu cầu và thách thức mới, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học và đạt được một số kết quả nổi bật: Hoàn thành "mục tiêu kép": vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước về GD&ĐT. Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn.
Chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh các kết quả đạt được, năm học 2020-2021 cũng còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp; còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên; chất lượng đội ngũ không đồng đều. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.
Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc chưa được chú trọng đúng mức; kỷ luật, kỷ cương quản lý trường, lớp ở nhiều nơi còn buông lỏng. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai tự chủ ĐH nhiều nơi còn lúng túng... Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành GD&ĐT đã chủ động đổi mới, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT và đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, bước đầu triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và Chương trình sách giáo khoa mới lớp 1.
Giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí tốp toàn quốc về học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; học sinh Nghệ An đạt 5 Huy chương Vàng, Bạc khu vực và Quốc tế. Nghệ An quan tâm công tác chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT và tổ chức tốt Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,2%, với hơn 34.300 thí sinh dự thi.
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm học 2021 - 2022, tỉnh Nghệ An xác định đây là năm học đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Vì vậy, ngành GD&ĐT tập trung nhiều giải pháp, biện pháp để đạt được các mục tiêu.
Tỉnh xác định 3 nhóm giải pháp. Cụ thể, ưu tiên nguồn lực, tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chủ động, tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; thúc đẩy giáo dục thông minh và hội nhập quốc tế.
Tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề, phù hợp với đặc điểm vùng miền. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.
Nghệ An kính đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ quan tâm, xem xét, bố trí khoảng 7.843 biên chế giáo viên ở các cấp, chủ yếu là cấp mầm non và tiểu học. Bộ GD&ĐT hỗ trợ Nghệ An về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hỗ trợ kêu gọi các nguồn lực để Nghệ An thực hiện Đề án xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh dân tộc bán trú.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 sang năm học 2025 - 2026 với 2 lý do. Trong thời điểm dịch Covid-19 nên địa phương chưa có điều kiện để chuẩn bị đủ các nguồn lực như xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình. Cùng đó, năm nay thực hiện Chương trình giáo khoa lớp 6 thì theo lộ trình đến năm học 2025-2026 vào lớp 10 là phù hợp, đồng bộ, đảm bảo chất lượng dạy và học.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chúng ta không được chủ quan, lơ là. Hiện nhiều địa phương đang phải giãn cách xã hội, Nhân dân đang gặp khó khăn, nhất là các cháu học sinh. Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày khai giảng nhưng tại nhiều địa phương không thể thực hiện được vì phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh đang làm đảo lộn các hoạt động xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn với các nhà giáo, học sinh, phụ huynh phải chịu đựng thời gian qua. Vì vậy, càng phải quan tâm đến công tác dạy và học trong thời gian khó khăn này với tinh thần kiên trì, kiên định, dù khó khăn đến mấy cũng phải làm bằng được.
Thủ tướng Chính phủ cũng chúc mừng, khen ngợi và biểu dương những kết quả mà ngành GD&ĐT đạt được trong năm học 2020-2021, với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực. Ngành GD&ĐT đã chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho đất nước; chủ động ứng phó, ứng dụng CNTT dạy học trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, an toàn, được xã hội đánh giá cao; 35 em đạt giải cao tại các kỳ thi khu vực và Quốc tế; tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ có giải pháp đảm bảo an toàn trường học bằng việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh. Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát, nghiên cứu, tổ chức triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em theo đúng nguyên tắc khoa học; lứa tuổi 12 trở lên có thể trở lại trường học bình thường nếu được tiêm vắc xin đầy đủ...
Đối với giáo viên thì rà soát để bổ sung tiêm vắc xin nhằm chuẩn bị cho năm học mới. Những địa phương không phải giãn cách xã hội thì tiến hành vệ sinh môi trường, rà soát, nếu đủ điều kiện thì tổ chức dạy và học trực tiếp với quan điểm không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đối với những nơi “vùng đỏ", "vùng vàng”, vẫn phải tổ chức dạy và học trực tuyến, hỗ trợ những học sinh khó khăn để đảm bảo sự công bằng.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ chia sẻ với các cháu học sinh ngày tựu trường nhưng không được đến trường. Các trường, giáo viên có biện pháp hỗ trợ tâm lý, chia sẻ khó khăn với các em học sinh; đưa hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch vào chương trình giảng dạy. Có chính sách miễn, giảm học phí đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các giáo viên, học sinh đối với trường hợp đặc thù.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các giáo viên, nhà quản lý giáo dục, học sinh nêu cao tinh thần chống dịch với tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình, tất cả vì con em chúng ta. Bởi chống dịch là trách nhiệm, quyền lợi, quyền lợi của mỗi người.
Ngành GD&ĐT phải tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CNTT, khoa học công nghệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, khuyến khích đổi mới giáo dục phù hợp với từng vùng, miền khác nhau. Chính sách giáo dục phải hài hòa giữa người dân và Nhà nước, có sự chia sẻ rủi ro. Thu hút nguồn lực, thu hút công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại. Những chính sách đúng, hiệu quả thì tiếp tục thực hiện, mạnh dạn thí điểm các chính sách mới để rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Quan tâm quy hoạch các trường ĐH có tầm nhìn, hiện đại; Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ phối hợp với địa phương để rà soát, bố trí biên chế giáo viên phù hợp, thu hút nhân tài, học gắn với hành, tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; đào tạo gắn với nhu cầu thực chất của xã hội. Có chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa; bổ sung trang thiết bị dạy học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu ngành GD&ĐT có giải pháp làm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng những biện pháp tích cực; sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2021-2022 trong thời điểm dịch bệnh để học sinh chủ động. Cần có giải pháp để học sinh thích học môn Lịch sử, tăng cường dạy học ngoại ngữ gắn với việc đổi mới cách dạy, cách học phù hợp với tình hình. Đánh giá lại thực chất để bố trí đầy đủ giáo viên một cách hợp lý, khoa học./.