Cùng dự phiên họp, có đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và 33 địa phương.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, lập chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia trình Quốc hội thông qua làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng. Đây là các dự án hạ tầng giao thông có quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng vai trò động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chỉ đạo triển khai thực hiện 9 dự án và 31 dự án thành phần, gồm: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức -Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Ðường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc… Trong đó, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Dù là một trong 3 đột phá chiến lược, song giao thông vận tải đang là điểm nghẽn lớn của nước ta. Đảng, Nhà nước đã xác định xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, là một trong khâu đột phá chiến lược; đồng thời huy động, bố trí vốn từ nhiều nguồn khác nhau để triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phát biểu thẳng thắn, kiểm điểm lại các công việc đã triển khai sau phiên họp thứ nhất, đặc biệt là nêu rõ khó khăn, vướng mắc ở đâu, khâu nào, trách nhiệm của ai, giải pháp là gì, thẩm quyền giải quyết của cấp nào. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo trong thời gian tới cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, làm việc tại hiện trường các dự án để sâu sát hơn.
Tại hội nghị các đại biểu và địa phương có các công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong công tác triển khai thực hiện các dự án; đồng thời nêu lên một số kiến nghị trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án; vị trí đổ thải; tiến độ thực hiện các dự án, việc bố trí nguồn vốn thực hiện dự án…
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Nghệ An được triển khai từ tháng 6/2019. Với tầm quan trọng của dự án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tập trung ưu tiên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện được khoảng 87,74/87,84Km, đạt 99,88%, chỉ còn lại 105m; hạ tầng kỹ thuật còn 1 đường ống D800 ở TX Hoàng Mai, 7 vị trí đường điện cao thế và 7 vị trí đường điện trung hạ thế chưa di dời xong.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giao thông có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. “Cao tốc đi đến đâu, văn minh đi đến đấy. Tỉnh nào phát triển hạ tầng lớn thì phát triển rất nhanh”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để ban hành Thông báo số 2 của Ban chỉ đạo; trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương và giao thời gian cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các nhiệm vụ. Việc thực hiện các nhiệm vụ trên tinh thần vì nhân dân phát triển, vì Việt Nam hùng cường và phát triển. “Nếu duy trì cách làm cũ thì không bao giờ hoàn thành các mục tiêu đề ra” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá, sau phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được một số kết quả. Vì thế, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mỗi thành viên Ban Chỉ đạo, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phát huy tinh thần cao độ để chủ động thực hiện nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ của mình. Tổ chức sơ kết các mô hình, cách làm hay để nhân rộng, tạo ra phong trào thi đua. Xác định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong thực hiện các nhiệm vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Các bộ, ngành tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, các chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Các Ban quản lý dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã được bàn giao mặt bằng; triển khai hoàn thành hồ sơ để phê duyệt các dự án. Các địa phương tập trung hoàn thành quy hoạch của tỉnh; tập trung giải ngân các nguồn vốn đã được phê duyệt, nhất là nguồn vốn xây dựng hạ tầng…/.