Khó khăn liên tiếp khó khăn

Cuộc sống của những lao động thuê trọ luôn là một hình ảnh tiêu biểu của cuộc sống vất vả mưu sinh. Tha hương, họ không chỉ chật vật về vật chất mà còn thiếu thốn về đời sống tinh thần. Ở thời điểm hiện tại, một điểm chung nhất của những công nhân thuê trọ là hầu như họ đều đã trải qua giai đoạn là F0 với nhiều khó khăn bủa vây.

1-1648868797.jpg
Quanh Khu Công nghiệp VSIP có nhiều dãy trọ dành cho công nhân lao động. Ảnh: Đình Tuyên

Chúng tôi gặp Phan Văn Cường (quê Yên Thành) trong một căn nhà trọ mới xây ở gần KCN VSIP lúc 17 giờ chiều. Cường về làm tại KCN VSIP được mấy tháng nay. Trước đó, Cường làm công nhân cho một tập đoàn công nghệ lớn tại Bắc Giang. Giải thích lý do về Nghệ An trong khi mức lương ở Bắc Giang cao hơn mức lương hiện tại, Cường nói: “Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con, mẹ cũng đã nhiều tuổi nên em muốn làm ở gần nhà chút, khi cần về chăm mẹ cũng dễ. Tuy nhiên, giai đoạn này công ty bị hủy đơn nhiều, không có tăng ca nên mức lương tôi nhận mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng, tiền nhà đã 750.000 đồng chưa kể điện nước, ăn uống, nuôi mình còn khó nữa là nuôi mẹ”. Trải qua nhiều khó khăn, sóng gió nên mặc dù sinh năm 2001 nhưng gương mặt Cường già dặn, trầm tư hơn nhiều so với tuổi.

Với chị Vy Thị Xuân, áp lực đồng lương chủ yếu đến từ việc chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Mức lương hiện nay của chị rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng, trong khi phải đi làm đến 8 giờ tối. Chồng chị ra Tết đến nay chỉ mới đi làm được 1 tuần thì nghỉ vì dịch. “Cũng biết là cuộc sống công nhân vất vả, giờ giấc thất thường, nhưng chúng tôi vẫn muốn đưa con cái từ Quỳ Hợp xuống đây, phần vì muốn tự mình chăm sóc, dạy dỗ con, phần vì muốn con có điều kiện học tập tốt hơn, để sau này đỡ vất vả” - chị Xuân tâm sự.

2-1648868829.jpg
Gia đình chị Vy Thị Xuân liên tiếp gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Đình Tuyên

Gia đình 4 người của chị Xuân vừa khỏi Covid-19 được 1 tuần và trong suốt 1 tuần bị bệnh, vợ chồng chị cùng cô con gái 7 tuổi và cậu con trai 3 tuổi ở trong căn phòng trọ 20m2 kín mít trên trục đường Đặng Thai Mai. Cầm tờ giấy ghi giá nhà, điện nước trong tháng 3, chị Xuân thở dài: “Tiền nhà 900 nghìn với điện nước nữa là 1,4 triệu đồng. Tới đây 2 đứa trẻ đi học nữa thì sẽ còn phát sinh nhiều khoản chi tiêu. Chỉ mong công việc ổn định để trang trải cuộc sống”.

Trong tất cả những căn phòng trọ mà chúng tôi ghé qua, phòng trọ anh Hoàng Hữu Bách (Diễn Châu) “ấn tượng” hơn cả. Nội thất căn phòng tầm 9m2 của anh chỉ có độc 1 chiếc giường cũ và một chiếc tủ gỗ ép xiêu vẹo chực đổ. Anh mang từ nhà đi một số vật dụng thiết yếu và sống tạm bợ, đơn giản qua ngày để kiếm tiền đưa về cha mẹ, vợ con ở nhà. “Tôi tính toán rồi, mua thực phẩm về nhà nấu có hơi vất vả chút nhưng sẽ đỡ tốn kém. Mọi thứ ở Vinh đắt đỏ lắm, không tằn tiện thì không có tiền nuôi vợ con đâu” - vừa chuẩn bị bữa cơm tối để đi làm ca đêm, anh Bách vừa giải thích.

3-1648868852.jpg
Dù ở một mình nhưng anh Bách vẫn tự nấu ăn để tiết kiệm chi tiêu. Ảnh: Đình Tuyên

Hiểu rõ khó khăn của người lao động, chủ nhà trọ Trần Thị Thảo (Hưng Tây) nói: “Công nhân thuê trọ chỗ tôi đều từ các huyện vùng sâu, vùng xa xuống, vất vả lắm, không có tiền tích cóp đâu. Đợt dịch vừa rồi, phần vì nhà máy ít đơn hàng, phần vì nghỉ việc vì mắc Covid-19, phần vì sức khỏe kém sau bệnh… Cuộc sống của các cháu đã thiếu lại càng thiếu. Lần nào các cháu về nhà cũng phải đem theo từng chai nước mắm, lọ vừng lạc, túi gạo quê… để hạn chế chi tiêu tối đa”.
 

Niềm vui được chia sẻ

Nhằm thu hút người lao động trở lại thị trường lao động sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về chi 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy chưa nhiều công nhân nắm được thông tin cụ thể về gói hỗ trợ này nhưng ai cũng háo hức, mong chờ.

4-1648868885.jpg
Dù lương thấp nhưng vợ chồng anh Trần Văn Hiếu (Thanh Chương) chấp nhận chi 1,5 triệu đồng/tháng cho tiền thuê nhà vì muốn con có chỗ ở cao ráo, sạch sẽ. Ảnh: Đình Tuyên

Khi được hỏi về chương trình hỗ trợ nhà trọ của Chính phủ, gương mặt công nhân Phan Văn Cường có vẻ vui hơn: “Tôi có nghe loáng thoáng về gói hỗ trợ nên trên group công nhân Bắc Giang nhưng chưa có thời gian tìm hiểu cụ thể, cũng chưa thấy công đoàn công ty chia sẻ về nội dung này. Chương trình quá ý nghĩa, dù ít hay nhiều, sự hỗ trợ này có giá trị rất lớn với công nhân nghèo chúng tôi”.

Tương tự, gia đình chị Xuân cũng chưa được biết về nội dung của gói hỗ trợ này. Chị nói: “Tôi đi làm về lúc 8 giờ tối, loay hoay dọn dẹp, tắm giặt là đã đến giờ đi ngủ. Sáng mai lại dậy từ 5 giờ sáng sửa soạn cho các con rồi tất bật đến công ty, không có thời gian rảnh để xem ti vi hay xem tin tức trên điện thoại nữa. Mọi thông tin đều chờ phía từ công đoàn công ty triển khai thông báo và vẫn chưa nghe công đoàn tuyên truyền về nội dung này. Nhưng nghe qua là tôi đã thấy được quan tâm, động viên, chia sẻ lắm”.

Chia sẻ của chị Xuân, anh Cường cũng là chia sẻ chung của nhiều công nhân lao động thời điểm này. Dù chưa thật sự nắm được thông tin và không biết mình có thuộc diện được hỗ trợ không nhưng ai cũng háo hức trước chương trình.

5-1648868883.jpg
Cuộc sống thuê trọ của công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đình Tuyên

Lý giải về việc nội dung chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà chưa được triển khai sâu rộng xuống các công đoàn cơ sở, bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam cho hay: “Quyết định số 08 mang ý nghĩa chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở để họ yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời hướng tới mục tiêu thu hút trở lại những lao động do tác động của đại dịch Covid-19 đã phải rời bỏ thành phố về quê. Tuy nhiên, chương trình được áp dụng cho một số khu vực nhất định nên chúng tôi chờ có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng rồi mới triển khai tuyên truyền đến người lao động”.

Theo thống  kê, Nghệ An hiện có hơn 30.000 người lao động tại KKT Đông Nam và các khu công nghiệp. Trong đó, có gần 6.000 NLĐ đang ở trọ với mức thuê nhà từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. 

2 đối tượng người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm được hưởng Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động hỗ trợ theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP là:

1. Lao động đang làm việc: Điều kiện hưởng là đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan Bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng.

2. Người lao động quay trở lại thị trường lao động. Điều kiện hưởng là: đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan Bảo hiểm xã hội) tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng, chi trả hàng tháng.