Trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Đối với cán bộ cấp Thứ trưởng, về mặt Đảng sẽ là Ủy viên Ban cán sự đảng của Bộ đó (Bộ trưởng là Bí thư Ban cán sự Đảng). Cấp Thứ trưởng là diện cán bộ do Ban Bí thư quản lý.
Trường hợp một vị Thứ trưởng có đơn xin thôi việc, đầu tiên Ban cán sự đảng của Bộ đó xem xét, có ý kiến. Tiếp sau đó sẽ trình lên Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét (quá trình này Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu). Ban cán sự đảng Chính phủ sau khi xem xét sẽ trình tiếp lên Ban Bí thư để xin ý kiến. Trường hợp Ban Bí thư sau khi xem xét, đồng ý, sẽ cho Thứ trưởng đó thôi Ủy viên Ban cán sự đảng của Bộ. Về thủ tục hành chính thì Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cho Thứ trưởng thôi việc (chức Thứ trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm).
Trơ lại với trường hợp Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, ông sinh năm 1964 (58 tuổi) tại TP.HCM. Trước khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế, ông có hơn 30 năm làm công tác chuyên môn. Trong đó, ông có hơn 16 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn với vai trò bác sĩ điều trị tại khoa Huyết học Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy.
Năm 2004, ông chuyển sang công tác quản lý ở cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2008 đến 2018, ông giữ chức Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2018, ông được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng bộ Y tế.
Trong 4 năm công tác tại Bộ Y tế, chỉ trong vòng hơn 4 tháng (từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022), ông đã 2 lần bị thi hành kỷ luật Đảng, lần đầu bị kỷ luật khiển trách, lần thứ hai bị kỷ luật cảnh cáo.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn là một số lãnh đạo của ngành Y tế đã nhiều lần lăn lộn xuống cơ sở và có rất nhiều đóng góp lớn đối với công tác phòng, chống dịch./.