Mở đầu là Truyện Kiều bất hủ (trích), tiếp đến là thơ của các danh nhân: Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Huy Cận… Với những bài thơ, những câu thơ lục bát tuyệt diệu mà những người Việt yêu thơ ai cũng thuộc thuộc lòng: Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Nguyễn Du – Truyện Kiều); Ngồi buồn lại trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc, buồn tanh lại cười/ Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo (Nguyễn Công Trứ – Vịnh cây thông); Dòng sông lặng ngắt như tờ/ Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo(Hồ Chí Minh – Đi thuyền trên sông Đáy); Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẻ đứt, động hờ sẻ tiêu…(Xuân Diệu – Chiều); Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn…( Huy Cận – Buồn đêm mưa).
Lục bát là thể thơ truyền thống lâu đời nhất của dân tộc, là “ hồn vía” của người Việt ta. Có nhà thơ đã viết rằng : “Tôi là một gã nhà quê / Dám đem lục bát làm mê cung đình…” (Đồng Đức Bốn). Thơ lục bát như Truyện Kiều không những làm say mê những người dân quê, cả những người không biết chữ mà còn làm “ mê cung đình” đã hai thế kỷ nay. Những bài thơ, những câu thơ lục bát của các tác giả xứ nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh) được tuyển chọn vào tập thơ này theo tôi là khá chuẩn. Tôi thích nhiều bài, nhiều câu thơ trong đó.
Cố nhà thơ Trần Hữu Thung viết: Ước chi có những buổi chiều/ Hanh hanh nắng núi, hưu hưu gió đồng/ Em tôi mặc áo lụa hồng/ Ngồi trên bãi cỏ đọc dòng thơ tôi (Ước chi). Cố nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh có nhiều bài thơ lục bát hay, được bạn đọc yêu thích, trong đó có bài viết về quê hương Núi Nài: …Giá như vạt cỏ phong trần/ Trăm năm còn gặp dấu chân người về… Sinh thời thi sỹ đa tài Nguyễn Trọng Tạo có bài thơ “ Chia” được nhiều người yêu thích: Chia cho em một đời tôi/ một cay đắng/ một niềm vui/ nỗi buồn/ Tôi còn cái xác không hồn/ Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai.… Dạo còn phụ trách tờ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh có lần đọc cho tôi nghe “ Bài thơ không lời”, hôm tôi đến hàn huyên với ông. Giờ ông đã đi về cõi vĩnh hằng. Chính mấy câu thơ: Tôi đi mất hút/ trong hàng bóng tôi/ Bài thơ từ đó không lời/ Tôi mang theo / Suôt cuộc đời làm thơ đã củng cố thêm quyết tâm cho tôi khi quyết định tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, vừa tôn vinh cái đẹp vừa khẳng định cái tôi bản thể của con người mà suốt thời chiến tranh chúng ta đã hy sinh cái tôi vì cái ta…
Thời còn là Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh cũng hay đến chỗ tôi chơi, đọc thơ, bài thơ “ Nửa” của ông có bốn câu, nhiều người thích, tôi cũng thuộc lòng hai câu cuối: “Nửa đêm chợt tỉnh giấc dài/ Quờ tay chạm ánh trăng ngoài chấn song”. Nhà thơ Thạch Quỳ gần đây thường viết những đoạn văn ngắn khá thú vị trên Facebook, tôi thích hai câu trong bài “Lời nghìn năm” in trong tập này: “Tháng năm lần lựa đắp bồi/ Lặng im để cỏ, nói lời nghìn năm”. Cố nhà thơ Lê Duy Phương với tâm trạng tiếc nối trong bài “ Phố chiều”: “Quen nhau từ thủa đôi mươi / Phố chiều nay đã chiều rồi. Còn đâu“. Nhà thơ, TS Lê Quốc Hán có nhiều bài thơ lục bát mà tôi thích, ở tập thơ này anh được chọn hai bài: “ Nợ” và “ Bến phù du” với những câu thơ minh triết: “Cuộc đời vay trả trả vay / Thời gian đặt nợ vào tay chất chồng” ( Nợ); “Ngỡ xa xôi hóa quá gần/ Bến phù du đợi chỉ tầm nửa gang” (Bến phù du). Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú nhiều năm làm TBT Tạp chí Hồng Lĩnh vẫn đắm đuối với thơ, thơ viết về biển của Nguyễn Ngọc Phú tôi rất thích: “Biển xanh ở chỗ xa bờ / Tôi giao thoa với mộng mơ cuối trời”…(Giao thoa sóng). Nhà thơ Ngô Đức Hành viết lục bát biến thể: “Quê/ Là mưa nắng/ Nhặt thưa/ Bàn tay mẹ muối nhút dưa rộm vàng”(Quê). Cố nhà thơ Võ Thanh An sinh thời luôn đau đáu với thơ, trong bài “ Gửi sao thần nông” có câu: “Nghìn sao sáng, vạn sao sa/ Mà sao ông để đồng ta bạc màu”. Tùng Bách nhà thơ thường luận bàn những chuyện thế sự nhân tình hàng ngày: “Ta đi từ một đến muôn/ Vẫn chưa hiểu hết ngọn nguồn cơn mưa “(Từ một đến muôn). Tôi gặp lại Phạm Thùy Vinh với bài thơ “ Không đề” chỉ có bốn câu: “Ừ, ta xa thế thì thôi/ Niềm vui vỗ cánh, mặt người chiêm bao / Ngờ đâu ngay giấc mơ đầu / Gặp ta người khẽ cúi chào rồi đi”…. Phạm Thùy Vinh từng đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh do báo Tiền Phong tổ chức. Giờ chị là TBT Tạp chí Sông Lam. Nhà thơ Phạm Việt Thư có bài “Thơ dâng” với cặp câu khá tinh tế: “Ta còn mắc nợ ngày xưa / Ngày em ướt áo chẳng đưa em về”…
Hôm đại hội nhà văn các cơ quan TƯ vừa rồi nữ thi sĩ Trần Kim Hoa tặng tôi tập thơ mới “Bên trời”, tôi chưa đọc hết, nay gặp một Trần Kim Hoa: “Lòng như ngọn bấc bời bời/ Biết còn thương được mấy đời phù du”… (Tầm xuân đã trổ lối hường). Sinh thời nhà thơ Xuân Hoài, thầy dạy toán của tôi có bài thơ “Con đường về bến Tam Soa” được nhiều học trò đọc thuộc, nay đọc lại vẫn thấy da diết hồn quê: “Con đường về bến Tam Soa/ Như câu thơ đẹp trải ra đón mời”. Cố nhà thơ Quang Huy với bài thơ “Hư vô”, một bài thơ hay thấm đẫm cõi đời: “Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ Bài thơ rồi cũng hư vô như mình”. Nhà thơ Hạnh Loan đã từng tâm sự với tôi rằng buổi đầu định lấy tên bài thơ “Vắt kiệt” in trong tập này đặt tên cho một tập thơ mới xuất bản của Hạnh Loan: “Vắt kiệt quên, vắt kiệt rồi/ Mà sao không thể quên/ Người quên ta???”. Cố nhà thơ Lê Thái Sơn bạn cùng học một lớp với tôi thời ở khoa văn đại học Tổng Hợp Hà Nội, một người say thơ, vượt lên bệnh tập vì thơ, có bài “Thơ vui tặng bạn đạp xích lô” in trong tập này với hai câu thơ cuối cùng của bài thơ thật ám ảnh người đọc: Cúi xin đức Phật từ tâm / Kiếp sau lại bắt con cầm càng xe. Phan Trọng Tảo với bài thơ “ Đêm” có những câu hay: Nâng ly chạm với ông trời/ Thì ra trên ấy cũng đời như ta…. Đinh Phạm Thái với bài thơ “Cái roi ngày ấy”, những trận đòn roi bây giờ đâu đã hết với cách dạy con “Thương cho roi cho vọt”, với hai câu kết thật là xa xót: Chân run quờ chiếc gậy mòn/ Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây.
“Tưởng là phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây/ Ngửng trời cao, cúi đất dày/ Cắm môi tay nắm bàn tay chính mình...” (trích bài “Bên mộ cụ Nguyễn Du”. Tôi nghe nói sau khi bài thơ nổi tiếng này của nhà thơ Vương Trọng ra đời, với những câu thơ day dứt đến đau lòng về một thi nhân tiêu biểu của dân tộc mà chỉ có nấm mộ mà nhà thơ cứ nghĩ là mộ Đạm Tiên, người ta mới nghĩ đến việc xây lại mộ, làm nhà tưởng niệm, tạc tượng Đại thi hào Nguyễn Du… Không biết có đúng không?! Sinh thời nhà thơ Võ Văn Trực có bài thơ “ Đêm cuối thu” được nhiều người thích, nay đọc lại quả là hay, với những câu thơ độc đáo: Mảnh trăng rụng xuống bên trời / Mùa thu đã chết tuyệt vời trong ta. Còn nhà thơ Duy Thảo day dứt: Giận thương bao chuyện, đành là/ Xin yêu lấy một loài hoa mình trồng (Trở mình).
Những nhà thơ thế hệ sau này cũng có nhiều bài thơ, câu thơ hay như nhà thơ Trần Nam Phong: Thế gian nắng lắm, mưa nhiều/ Mồ hôi nhỏ xuống, khói chiều bay lên(Viết chờ sen lên); Vì chăng cái tứ lẳng lơ/ Dao thơ sắc lém nên giờ đứt tay! (Đinh Nho Tuấn – Vót thơ). Nhà thơ Bùi Quang Thanh trong bài “ Nhìn trăng nhớ mẹ” có hai câu ý thơ độc đáo: Mẹ ta trong cả kiếp người/ Cho ta vành vạnh nụ cười làm con. Nhà thơ Đặng Bá Tiến có bài “ Chiêm bao” lục bát cách vần, biến thể :
…Chiêm bao
Tàn giấc từ đêm
Vén rèm
Nhìn nắng
Lại them…
Chiêm bao!
Nhà thơ Trần Chấn Uy thì viết: Ta về lụy gió qua sông/ Giọt mưa bay trắng cánh đồng phù du (Giật mình thiên hạ đã thu sang).
Có hai người làm thơ tôi quen biết nhiều năm là nhà báo Võ Minh Châu và nhà giáo Nguyễn Tiến Chưởng (từng là hiệu trưởng cấp ba Nguyễn Huệ ) cũng rất say thơ. Trong bài “ Ngày về” Võ Minh Châu viết: Trăm năm dâu bể cõi đời/ Trần gian dễ được mấy người hiển linh. Hai câu thơ trong bài “Tiếng cuốc Đèo Ngang” của Nguyễn Tiến Chưởng gợi nhớ da diết một vùng quê: Trời trong veo, biển trong veo/ Hoa sim tím ngắt giữa chiều hoàng hôn.
Đọc “Thơ lục bát xứ Nghệ”, tôi thiển nghĩ đây là một tuyển thơ được chọn lựa khá chuẩn, có ích, có ý nghĩa trong dịp Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du. Trong một bài viết không thể điểm hết thơ của các tác giả, mong được lượng thứ.