Sáng ngày 16/3, trong phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nhiều đại biểu nêu vấn đề ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía bắc thời gian vừa qua và đề nghị Bộ trưởng Công thương có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này.
Thay đổi để thích ứng với thiên hạ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn trong thời gian là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid. Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.
Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.
Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
“Tắc ở đâu thì thông đấy còn không thông được thì tiên trách kỷ hậu trách nhân, dứt khoát phải quay lại sản xuất theo tiêu chuẩn và tín hiệu thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm.
“Chúng ta xác định phải tìm cách chinh phục thị trường Trung Quốc. Lâu nay hàng hóa của chúng ta qua Trung Quốc chủ yếu là đường tiểu ngạch, đường chính ngạch tuy có nhưng sản lượng không nhiều. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc cũng đã nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa do vậy chúng ta buộc phải tìm cách thay đổi mình để thích ứng với thiên hạ chứ không thể để thiên hạ theo mình được”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích.
Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Dư địa trong nước vẫn còn
Chất vấn của Tư lệnh ngành Công Thương, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đặt câu hỏi vì sao mỗi lần ta với bạn có giao thiệp thì cửa khẩu được mở, nhưng bẵng đi thì cửa khẩu lại đóng. Vậy giải pháp căn cơ, chiến lược đặt ra là gì để thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình thế giới phức tạp.
Bộ trưởng Công Thương cho biết, chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc có những điểm không giống nhau. Việt Nam thì thích ứng an toàn, nhưng Trung Quốc lại thực hiện Zero Covid.
Thời điểm trước Tết, mặc dù hàng hóa ùn ứ rất lớn nhưng chúng ta cũng tích cực giao thiệp. Qua giao thiệp chủ yếu bàn việc giao hàng qua phương thức nào để đảm bảo an toàn cho cả hai bên. Vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân vẫn là trên hết, không phải vì lợi ích trước mắt. Qua giao thiệp chúng ta hình thành phương thức giao nhận hàng hóa, hình thành các luồng xanh, vùng an toàn dịch bệnh. Ở thời điểm ấy, dịch ở Việt Nam chưa nặng, dịch nước bạn kiểm soát tốt nên lưu thông hàng hóa được.
Nhưng sau Tết, dịch bùng phát ở phía Bắc, khu vực biên giới có nhiều người mắc, cả người Việt Nam và Trung Quốc. Bằng chứng là 3 thành phố của bạn ở khu vực cửa khẩu ráp Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai bị phong tỏa, cùng với chính sách Zero Covid, nên cửa khẩu lại đóng cửa.
“Việc đóng - mở cửa khẩu là việc của ngoại giao. Hàng nông sản đảm bảo chất lượng hay không không chỉ là trách nhiệm của ngành Công Thương. Nhưng chúng tôi thấy phối hợp với nhau rất tốt nên giải quyết được bài toán này”.
Bộ trưởng khẳng định và cho biết những ngày tới việc giao thiệp vẫn phải duy trì, đây là việc cần thiết, ngoại giao vẫn là trên hết. Khi không ngoại giao được mới phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, có thể thấy thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn.
Những nước rất xa vẫn tìm Trung Quốc để bán hàng và Việt Nam không có lý do gì để không bán hàng. Lý do nữa là các nước đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ quy định này. Nhưng trên thực tế, ta với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn.
“Một lần nữa, khuyến cáo các ngành sản xuất nói chung đặc biệt là nông nghiệp, nông sản, thực phẩm đều phải cố gắng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn và tiêu chuẩn ấy phải sát từng thị trường chứ tiêu chuẩn chung chung rất khó. Hàng xuất vào Trung Quốc dù là chính ngạch nhưng nếu trục trặc gì đó không xuất được vào Trung Quốc cũng không dễ gì vào các thị trường khác”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
“Chúng ta hiện đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng nếu không nâng năng lực sản xuất, khả năng thích ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ thua ngay trên sân nhà, trở thành thị trường tiêu thụ cho đối tác.
Gần 100 triệu dân của chúng ta là thị trường hấp dẫn đối với các nước. Trong khi đó hàng sản xuất của chúng ta rất nhiều nhưng đưa đi thì rất khó. Vì ngay cả bán trong nước cũng chưa chắc đã được chào đón thì bán ra nước ngoài làm sao được”, Bộ trưởng cảnh báo
Hàng giả, hàng nhái vật tư, thiết bị y tế diễn biến phức tạp
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn thiết bị y tế phòng, chống dịch; ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, trong lúc nhu cầu tăng cao, đã xảy ra các vi phạm như đại biểu nêu.
Ngay sau khi phát hiện có tình trạng này, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường - đơn vị chủ lực trong giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường đã ban hành công điện từ đầu tháng 3 về tăng cường công tác quản lý thị trường.
Kết quả là trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500 nghìn bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... Cùng với đó, hàng vạn sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… trị giá hàng chục tỷ đồng cũng bị phát hiện.
Đây cũng là đợt ra quân và xử phạt vi phạm lớn nhất từ đầu năm đến nay. Thời gian tới, ngành Công Thương cùng các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục ngăn ngừa từ xa, từ sớm hàng hóa nhập lậu, trong đó có vật tư y tế, vào thị trường nội địa./.