Số người có việc làm trong Quý 2 năm nay giảm 2,4 triệu người so với Quý trước và giảm 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong số 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý 2 năm nay, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng. Quý 3, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó, các chuyên gia cho rằng, thị trường lao động vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
 
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê đã có trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này. 
 
PV: Thưa bà, hiện cả nước có tới hơn 30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực tế này tác động như thế nào tới bức tranh về lao động việc làm trong thời gian qua tại nước ta?
 
Bà Vũ Thị Thu Thủy: Đối với con số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng của Dịch Covid-19, có khoảng 28,7 triệu người hiện nay đang có việc làm; 897.500 người hiện nay đang thất nghiệp và 1,2 triệu người đang nằm ngoài lực lượng lao động, nghĩa là không tham gia hoạt động kinh tế. Nếu chia theo giới tính, có  khoảng 16,4 triệu người là nam và 14,4 triệu người là nữ; 13,1 triệu lao động hiện nay đang ở khu vực thành thị và 17,7 triệu lao động ở khu vực nông thôn.
 
Nếu chia theo khu vực kinh tế thì hiện nay có 4,3 triệu người hiện đang làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, 10,9 triệu người hiện đang làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng và 13,5 triệu người là hiện đang làm trong khu vực dịch vụ trong tổng số những người đang có việc làm.
 
Nếu chia theo tỉnh, thành phố, TP HCM có 3,7 triệu người bị ảnh hưởng; Hà Nội là 3,2 triệu người; Bình Dương là 1,3 triệu người và Đồng Nai là 1,3 triệu người. Đây là những tỉnh, thành phố có số người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều nhất.


 
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê. (Ảnh: KT)
 
Với các nhóm ngành, khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 là khu vực dịch vụ, với 72% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, với 67,8% lao động bị ảnh hưởng và tỷ lệ bị ảnh hưởng ở khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
 
PV: Thưa bà, Báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê về lao động việc làm cho thấy trong Quý 2, lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Vậy bà có thể nói rõ hơn về những nguyên nhân?
 
Bà Vũ Thị Thu Thủy: Số người có việc làm trong Quý 2 năm nay giảm 2,4 triệu người so với Quý trước và giảm 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Có một vài lý do, thứ nhất do lao động bị tạm thời phải nghỉ việc hoặc giãn việc luân phiên. Nhóm thứ hai là không có việc làm và phải ra khỏi lực lượng lao động, do trong quá trình xảy ra dịch bệnh, họ lo ngại bị lây nhiễm, do vậy một bộ phận người lao động họ tự nguyện rời khỏi lực lượng lao động trong thời gian có dịch.
 
PV: Vậy Tổng cục Thống kê có dự báo như thế nào về bức tranh thị trường lao động những cuối năm, thưa bà?
 
Bà Vũ Thị Thu Thủy: Chúng ta thấy rằng trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp rất mạnh mẽ và hiệu quả để khống chế được dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở, có nhiều mối quan hệ giao thương với các nước khác trên thế giới, trong khi đó hiện nay tình hình dịch Covid của các nước khác trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam, tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi nhận định tình hình lao động việc làm ở Việt Nam rất khó khăn. Nếu như Chính phủ không tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thì cũng rất là khó khăn trong thời gian tới.
 
PV: Thưa bà, những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 thì sẽ còn kéo dài và đặc biệt là trong bối cảnh mà chất lượng nguồn nhân lực của nước ta thì vẫn còn yếu về trình độ và kỹ năng. Vậy ở góc độ của cơ quan thống kê, bà có những giải pháp khuyến nghị như thế nào để có thể giải quyết vấn đề này?
 
Bà Vũ Thị Thu Thủy: Như chúng ta thấy, lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay đang rất dồi dào và chúng ta vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, nghĩa là tỷ lệ dân số trong lực lượng lao động chiếm tỷ trọng rất cao. Đây là lợi thế rất tốt. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế.
 
Nhìn từ số liệu của Quý 2, thấy rằng hiện chỉ có 24% lực lượng lao động là có bằng cấp chứng chỉ từ sơ cấp trở lên, như vậy rất là thấp. Do vậy, để tận dụng những lợi thế về số lượng nguồn nhân lực cũng như là những lợi thế về sản xuất kinh doanh thì chúng ta cần phải có những biện pháp để nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt có một giải pháp mà chúng tôi thấy khả quan là việc gắn kết giữa hoạt động đào tạo của nhà trường với các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi thấy bên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có nhiều chương trình để gắn kết giữa 3 nhà là: Nhà nước để xây dựng chính sách, nhà trường để thực hiện công việc đào tạo và nhà doanh nghiệp để tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực. Các vấn đề này trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa để làm sao gắn kết, đặc biệt là gắn kết giữa hoạt động đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
PV: Xin cảm ơn bà!