Nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và tử vong

CDC Hà Nội cho biết, tuần qua (từ ngày 2 đến 9/12), trên địa bàn TP ghi nhận 1.309 ca mắcsốt xuất huyết(giảm 9% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông (186 ca), Đống Đa (114 ca), Thường Tín (104 ca), Hoàng Mai (98 ca), Thanh Trì (87 ca), Phú Xuyên (82 ca), Phúc Thọ (80 ca).

2654-sxh4-1671004645.jpg
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác diệt bọ gậy phòng dịch sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 17.623 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 23 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 42 ổ sốt xuất huyết (SXH) mới tại 11 quận, huyện: Đống Đa (13), Thanh Trì (12), Hai Bà Trưng (4), Hà Đông (3), Thanh Xuân (2), Bắc Từ Liêm (2), Hoài Đức (2), Hoàng Mai (1), Đông Anh (1), Mê Linh (1), Phúc Thọ (1).

Như vậy, từ đầu năm 2022 cho đến nay đã ghi nhận 1.361 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động, tại 21 quận, huyện, trong đó, một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (290 bệnh nhân); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (69 bệnh nhân), thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (41 bệnh nhân); thôn Thao Nội, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên (40 bệnh nhân); thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh, huyện Thường Tín (32 bệnh nhân).

Theo CDC Hà Nội, tuần qua, số ca mắc SXH ghi nhận giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, đặc biệt là có thêm 2 trường hợp tử vong. Dự báo, số mắc SXH có thể tiếp tục ghi nhận ở mức cao trong thời gian tới, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch SXH trong thời gian tới, CDC Hà Nội khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó, triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Riêng tại địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống SXH.

Các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành Y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.

Tại quận Hà Đông, theo Trung tâm Y tế (TTYT) quận, từ đầu năm đến ngày 7/12, trên địa bàn quận có 1.285 ca mắc SXH, ở 17/17 phường trên địa bàn; có 120 ổ dịch, trong đó có 107 ổ dịch đã kết thúc.

Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết

Qua kiểm tra thực tế tại khu vực chợ Hà Đông và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường Nguyễn Trãi về công tác phòng, chống SXH cho thấy, một số vật dụng chứa nước, phế liệu, phế thải, chai lọ chưa được lật úp, thu gom, vẫn còn nước đọng; bể chứa nước sinh hoạt vẫn chưa được đậy kín, tiềm ẩn nguy cơ SXH rất cao.

2652-sxh1-1671004690.jpg
Phun thuốc diệt muỗi dập dịch

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu TTYT quận Hà Đông tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH, lưu ý về dấu hiệu nhận biết, cảnh báo về SXH để người dân hiểu rõ và có biện pháp phòng tránh. Dù đã bước sang tháng 12 nhưng SXH vẫn chưa có dấu hiệu giảm, việc cần làm nhất vẫn phải kiểm tra, loại trừ được ổ bọ gậy, nguồn tại các ổ dịch và khu vực xung quanh. TTYT quận Hà Đông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thực hiện tổng vệ sinh môi trường thường xuyên để phòng, chống SXH; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Đồng thời, các đội xung kích, đội giám sát tại cộng đồng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở các hộ gia đình vệ sinh môi trường, kịp thời phát hiện, thông báo về những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc để có biện pháp xử lý.

Theo Bộ Y tế, mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên, trong những tháng gần đây số ca mắc SXH vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung.

Do dịch SXH có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch Covid-19. Ngoài ra, ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.

Bộ Y tế cũng dự báo trong thời gian tới, tình hình SXH tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP quan tâm tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, kiểm tra, giám sát bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Ngành Y tế triển khai giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch...

Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm, trong đó có 4 ca ngưng tim.

Thống kê tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 6 tháng qua có 15 ca sốt xuất huyết tử vong, trẻ nhất là em bé 13 tuổi, người lớn tuổi nhất ngoài 80. Đa số do bệnh nhân nhập viện muộn, chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ tuyến dưới, khi tới đây đã không thể cứu chữa.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận 2 ca tử vong, đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả 2 bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) nhưng tình trạng bệnh quá nặng khiến cả 2 tử vong sau 6 ngày điều trị.

Không ít bệnh nhân chủ quan, không đến viện kịp thời là nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỉ lệ diễn biến nặng và tử vong trong vụ dịch năm nay.

Theo TS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, thực tế, có rất nhiều bệnh nhân SXH không hề xuất huyết nhưng bị giảm tiểu cầu rất nặng và tử vong. Trung bình một người có thể mắc SXH đến 4 lần trong đời. Đặc biệt, sốt xuất huyết tái nhiễm lần 2 thường nặng hơn lần đầu, thậm chí có thể gây tử vong.

Nguyên nhân tái nhiễm được các bác sĩ chỉ ra là bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra gồm type là D1, D2, D3 và D4. Hầu hết trường hợp mắc bệnh là do virus dengue type D1 và D2 gây nên, sau đó là D3 và D4. Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với type virus đã mắc nhưng không có miễn dịch chéo với các type virus còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị sốt xuất huyết tái nhiễm với các tuýp virus khác.

Các chuyên gia truyền nhiễm cho hay, ở lần mắc sốt xuất huyết thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4 bệnh nhân mắc bệnh do type huyết thanh khác. Khi đó, cơ thể người bệnh tồn tại song song 2-3 loại kháng thể. Các loại kháng thể này có thể xảy ra xung đột gây nên phản ứng sốt, đau mỏi, tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, thậm chí là trụy tim./.

Theo VH - tamnhin.trithuccuocsong.vn