saostar-ui2qtjkjv9le22ln-1637138643.jpg

Theo nội dung báo cáo, ngày 26/10, trong tiết 3 và 4 của lớp 11A5 (có 42 học sinh), khi học sinh đang làm bài tập thì thầy M. vô tình để lộ trang web có hình ảnh nhạy cảm của phụ nữ khi thu nhỏ màn hình Zoom. Hình ảnh nhạy cảm này xuất hiện vài phút nhưng thầy M. không biết. Sau đó, khi thầy M. chia sẻ nội dung khác lên màn hình thì ảnh nhạy cảm mới không còn xuất hiện.

Sự việc trên được các phụ huynh phản ánh đến ban giám hiệu nhà trường. Ngày 30/10, nhà trường tổ chức họp và Hiệu trưởng đã yêu cầu thầy M. viết tường trình. Trong bản tường trình và kiểm điểm, thầy M. nhận lỗi và nghiêm túc rút kinh nghiệm. 

Thầy M. nhìn nhận hành động của mình đã làm ảnh hưởng tâm lý học sinh và làm mất đi vẻ đẹp của nhà giáo trong mắt học sinh. Đồng thời, thầy M. nhờ học sinh chuyển lời xin lỗi đến các bậc phụ huynh.

Phía Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp đã giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng Trường THPT TP Sa Đéc thực hiện quy trình, xem xét xử lý phù hợp theo quy định và báo cáo kết quả về sở trước ngày 22/11.

Hiện, nhà trường đã phân công giáo viên khác dạy môn Toán cho lớp 11A5 từ ngày 15/11. Đồng thời, giao cho tổ chuyên môn tổ chức kiểm điểm, thực hiện quy trình đề xuất xem xét xử lý vi phạm đối với thầy M..

Trước đó, vào tháng 10, một thầy giáo dạy môn tiếng Anh ở một trường THPT tại Đồng Tháp cũng làm lộ hình ảnh clip nhạy cảm trong lúc dạy trực tuyến.

Trang bị kỹ năng khi dạy học trực tuyến

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “An toàn trong lĩnh vực an ninh mạng đang trở thành vấn đề được quan tâm trong bối cảnh dịch bệnh và chúng ta chuyển sang học và làm việc trực tuyến.

Để tránh những “tai nạn” như vụ thầy giáo ở Đồng Tháp làm lộ hình ảnh nóng khi dạy trực tiếp tôi cho rằng giáo viên cần phải tạo nên tính chuyên nghiệp ngay cả khi làm việc online. Cụ thể, khi làm việc, mọi người phải nghiêm túc, giờ nào việc nấy, "đúng vai thuộc bài", chứ không thể ''trên áo vest dưới quần đùi'', một lúc làm nhiều việc dẫn đến thiếu kỷ luật”.

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam thì trong quá trình làm việc online, mọi người cũng phải rèn cho mình và những người xung quanh có tính kỷ luật.

Có thể cùng một lúc làm nhiều việc và do không thành thạo về các kỹ năng công nghệ thông tin nên có thể dẫn đến nhiều sự cố, tạo nên hình ảnh không đẹp về hình ảnh người thầy, nhất là khi người giáo viên luôn trở thành tấm gương chuẩn mực về phong cách, hành vi ứng xử để các thế hệ học trò học tập, noi theo.

“Tôi cho rằng, bản thân giáo viên cũng phải có thói quen làm việc tác phong chuyên nghiệp. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực công dân số cho toàn dân để mọi người đều nắm được những kiến thức cơ bản bảo vệ mình trên không gian mạng, tránh những sự cố lộ clip, hình ảnh nhạy cảm", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Ngoài ra, theo nhiều kỹ sư công nghệ thông tin thì hiện nay việc chụp, lưu lại những clip, hình ảnh nhạy cảm trên máy tính, điện thoại đối với một số cá nhân diễn ra khá phổ biến.

Để tránh việc lộ, lọt những hình ảnh này ra ngoài, người dùng có thể cài đặt nhiều ứng dụng "giấu" ảnh, video nhạy cảm. Đó là những phần mềm miễn phí, cho phép lưu giữ hình ảnh, video quan trọng, khi muốn xem ảnh, video, người xem phải nhập mã khóa bảo vệ.

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân không nên đồng bộ nội dung nhạy cảm lên iCloud, Google Photo. Khi nhập tài khoản Gmail hay iCloud trên iPhone cần vào cài đặt, chọn iCloud, tắt My Photo Stream và Photo Sharing. Nếu smartphone có sẵn ứng dụng Google Photo, nên chọn tắt sao lưu và đồng bộ hóa.

Trong trường hợp muốn lưu giữ những hình ảnh, video trên Google Drive hay Facebook… thì mỗi cá nhân nên thiết lập đăng nhập bảo mật 2 lớp.

Theo đó, mỗi lần đăng nhập tài khoản lên thiết bị khác, người dùng cần thêm mã OTP gửi về điện thoại, để tăng mức độ an toàn.

Với máy tính, khi sao chép, tải những hình ảnh, clip nhạy cảm ra máy tính, người dùng nên cẩn thận đặt password (mật khẩu) cho thư mục lưu trữ và máy tính./.