Cục Thuế Thanh Hóa thông tin thêm, tổng thu nội địa ước đạt 24.373 tỷ đồng, đạt 131% so dự toán năm và bằng 154% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng, đạt 156% dự toán và bằng 161% so với cùng kỳ. Có 10/13 lĩnh vực có tiến độ thu tốt, dự kiến đạt và vượt dự toán năm.
Một số khoản thu có tỷ trọng lớn, số thu đạt cao so với dự toán năm, gồm: Thu tiền sử dụng đất đạt 10.603 tỷ đồng, bằng 151% so dự toán; ước cả năm là 11.700 tỷ đồng, bằng 167% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.199,5 tỷ đồng, bằng 157 % dự toán. Thuế thu nhập cá nhân đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 134% dự toán. Thuế bảo vệ môi trường 1.430,7 tỷ đồng, bằng 124% dự toán năm... Các lĩnh vực thu phí, lệ phí đạt 71% dự toán và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 78% dự toán, dự kiến khó có khả năng hoàn thành dự toán năm.
Liên quan đến nội dùng này, Cục Hải quan Thanh Hóa cho biết, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 14.952 tỷ đồng, đạt 136% dự toán và bằng 160% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 17.727 tỷ đồng, đạt 161% dự toán và bằng 165% so với cùng kỳ. Nguồn thu chủ yếu là từ thuế nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; thu từ dầu thô tính đến ngày 14/9/2022 là 11.732 tỷ đồng/25 chuyến tàu, trung bình mỗi chuyến thu 469,3 tỷ đồng.
Liên quan đến nội dung trên, một số chuyên gia nhận định, trong 9 tháng 2022, Thanh Hoá thu ngân sách đạt gần 40 nghìn tỷ đồng là một con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, số liệu nêu trên cho thấy, nguồn thu từ đất đai (thu tiền sử dụng đất) lại chiếm tới 26,96% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022. Trong khi đó, một số nguồn thu khác tuy chiếm tỷ lệ cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tỷ lệ thu ngân sách từ đất đai ở Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước trên thế giới thì tỷ lệ thu ngân sách từ đất đai của Việt Nam vẫn rất thấp.
GS Đặng Hùng Võ dẫn chứng, tại nước Anh, tỷ lệ thu từ đất đai chiếm tới 90% thu ngân sách hằng năm của các địa phương. Tuy nhiên thu ngân sách từ đất đai chủ yếu là thuế tài sản với nhà đất. Trong khi đó, thu từ đất tại các địa phương ở Việt Nam thời gian qua là từ việc giao đất ở thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, luật đã quy định tiền bán đất phải sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, thu từ bán đất là không bền vững.
“Nếu các địa phương chỉ chăm chăm vào nguồn từ việc bán đất sẽ không quan tâm tới phát triển các nguồn thu ngân sách khác. Thu từ bán đất là dễ nhất, cứ bán là có tiền”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, nếu các địa phương không có nguồn thu nào mạnh, chỉ tập trung vào nguồn thu từ đất thì mọi nguồn lực xã hội cũng sẽ tập trung vào quy hoạch, xây dựng hạ tầng để phục vụ cho bán đất vô hình trung các lĩnh vực sản xuất khác không phát triển được. Tập trung nguồn lực xã hội vào lĩnh vực dễ dãi nhất về dài hạn rất nguy hiểm, vì hết đất thì sẽ không biết thu từ đâu. Kế hoạch dài hạn là phải cải cách lại hệ thống thuế nhà đất. Về việc này, Bộ Tài chính đã từng đề xuất thu thuế tài sản với nhà đất, đây mới là nguồn thu bền vững. Bài học này Trung Quốc đã trải qua, nếu chỉ chăm chăm vào thu từ bán đất sẽ tạo ra những khu đô thị bỏ hoang khi thị trường bất động sản phát triển quá mức.
Theo các chuyên gia, để có nguồn thu cao, ổn định, lâu dài và bền vững, tỉnh Thanh Hoá cần đẩy mạnh phát triển của các ngành kinh tế, gia tăng quy mô GDP một cách bền vững.
Để làm được điều đó, tỉnh Thanh Hoá phải cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất… để cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá phải đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu; thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại; tính toán hiệu quả cơ cấu thu - chi ngân sách, dành ưu tiên cho chi đầu tư phát triển, tiết giảm chi thường xuyên./.