Cùng tham dự phiên thảo luận có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ngọc Kim Nam - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

1-1670426337.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3
2-1670426352.jpg
Ông Hoàng Văn Hiệp – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương điều hành phiên thảo luận

Phiên thảo luận tại Tổ 3 chiều nay, các đại biểu tập trung đánh giá vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà cũng như đánh giá hoạt động của HĐND tỉnh trong năm 2022. Bên cạnh đó, các đại biểu đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong triển khai công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ cần được tháo gỡ.

3-1670426486.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào nội dung dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp

 Cần có kế hoạch để cấp xi măng cho các xã xây dựng NTM ngay từ đầu năm

4-1670426516.jpg
Ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nêu ý kiến

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến là các vấn đề liên quan đến thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, hiện nay toàn tỉnh còn hơn 100 xã chưa đạt chuẩn NTM. Trong năm 2022, theo kế hoạch, phấn đấu có thêm 10 xã về đích NTM, 20 xã đạt NTM nâng cao, 06 xã đạt NTM kiểu mẫu. Riêng huyện Thanh Chương đăng ký xây dựng 06 xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên, với địa bàn huyện rất rộng, kinh tế khó khăn nên Thanh Chương cũng phải cố gắng rất nhiều. Song trên thực tế, với những địa phương còn lại chưa đạt chuẩn NTM, chủ yếu tập trung tại các huyện miền Tây Nghệ An, trong đó có huyện đến thời điểm này “trắng” NTM là Quế Phong chưa có xã nào về đích đều là những địa phương rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực... Ông Nhã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành cần tập trung triển khai ngay việc hỗ trợ xi măng, có kế hoạch để cấp xi măng ngay từ đầu năm, tránh tình trạng như trong 02 năm qua việc hỗ trợ xi măng quá chậm. “Cuối tháng 11, đầu tháng 12 mới có kết quả đấu thầu, khi đó mới cấp xi măng về cho các xã, xã phân bổ về cho các xóm, trong khi đó lại yêu cầu tiếp nhận xi măng trước 31/12, nếu không tiếp nhận trước 31/12 thì hủy. Điều này gây áp lực rất lớn cho cơ sở, bởi nếu thời tiết nắng ráo thì không sao nhưng gặp phải thời tiết mưa gió thì rất khó thực hiện” – Ông Trình Văn Nhã phản ánh.

Cùng quan điểm với ông Trình Văn Nhã, ông Ngô Sỹ Thành – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn cho rằng việc chậm cấp xi măng đã khiến cho người dân ở một số địa phương nhụt ý chí, giảm khí thế khi đã chuẩn bị mọi điều kiện về kinh phí, đã tự nguyện hiến đất, sẵn sàng tham gia ngày công...

5-1670426545.jpg
Ông Ngọc Kim Nam – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề xuất Sở NN&PTNT phối hợp cùng Sở Tài chính nghiên cứu để có phương án hỗ trợ xi măng kịp thời cho các địa phương

Nhận trách nhiệm trong việc chậm cấp xi măng cho các địa phương thực hiện xây dựng NTM, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở Tài chính đã làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc này. Theo ông Tùng, do việc giao chỉ tiêu xã đăng ký xây dựng NTM, NTM nâng cao chậm, đến tháng 05 mới có quyết định giao chỉ tiêu, trong khi đó việc cân đối, bố trí nguồn lực phải dựa vào chỉ tiêu. Trong thời gian đầu năm và giữa năm nay, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, trong đó giá xi măng lên xuống rất thất thường. Việc xây dựng đơn giá xi măng bao gồm phí vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn các xã đăng ký về đích NTM trải rộng, địa hình phức tạp, việc khảo sát thực tế mất quá nhiều thời gian dẫn đến chậm xây dựng dự toán đơn giá cung ứng xi măng. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu phải tuân thủ các quy định, riêng trong quy định đăng ký trang thông tin điện tử đã mất gần 01 tháng, chưa kể đến các quy định về hồ sơ mời thầu, tư vấn...  nên cũng dẫn đến chậm.

Ông Tùng đề nghị hàng năm, đơn cử như bước sang năm 2023, các địa phương cần rà soát, đăng ký những đơn vị về đích NTM, NTM nâng cao vào cuối năm 2022 để Sở Tài chính và Sở NN&PTNT có kế hoạch cân đối nguồn lực ngay khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phân bổ nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG.

Về kiến nghị kéo dài thời gian cấp xi măng, ông Tùng cho biết trong Nghị quyết của HĐND tỉnh đã quy định năm nào phải cấp trong năm đó, Luật Đấu thầu cũng chỉ cho phép thực hiện trong năm, tuy nhiên trong trường hợp các đơn vị cung ứng xi măng không hoàn thành trong năm thì phối hợp với Sở Tài chính, Sở NN&PTNT để trình UBND tỉnh gia hạn thời gian. Trước ý kiến đề xuất chuyển phần xi măng được hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn sang xây dựng các công trình khác như nhà văn hóa, trụ sở... Sở Tài chính và Sở NN&PTNT sẽ nghiên cứu, song hiện tại Nghị quyết HĐND tỉnh chỉ quy định hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Đối với một số ý kiến đề xuất cho ứng trước xi măng để triển khai xây dựng, theo ông Tùng là không được bởi khi đó chưa biết đơn vị nào sẽ trúng thầu, làm vậy sẽ vi phạm Luật Đấu thầu.

6-1670426574.jpg
Ông Trần Đình Toàn – Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đề nghị quản lý việc sử dụng các loại quỹ

Ngoài ra, thảo luận tại tổ, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ; đề xuất sớm điều chỉnh nâng mức hỗ trợ cho cán bộ khối, xóm; quan tâm đến chế độ chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; quan tâm hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, nhất là các trường ở vùng khó khăn.

Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh, sở, ngành liên quan đầu tư xây dựng cầu qua sông Giăng trên địa bàn huyện Thanh Chương; tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Hiếu khu vực ở huyện Nghĩa Đàn. Một số ý kiến đề nghị tăng cường quản lý việc sử dụng các loại quỹ như quỹ đền ơn, đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo... Đồng thời đề xuất thí điểm thực hiện xã hội hóa để có nguồn kinh phí chi trả chế độ hỗ trợ cho cán bộ thôn, xóm trong khi chờ cơ quan cấp trên điều chỉnh mức phụ cấp...

7-1670426601.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu Sở Tài chính phối hợp Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ cấp xi măng cho các địa phương

Có tình trạng cán bộ địa chính kiêm cò cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

8-1670426628.jpg
Ông Trần Ngọc Sơn – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tỉnh Nghệ An nêu ý kiến

Phản ánh tình trạng việc giải quyết tranh chấp đất đai thường là hậu quả của những năm trước. Đưa ra dẫn chứng về một số vụ việc về tranh chấp đất đai, ông Trần Ngọc Sơn -  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tỉnh Nghệ An cho biết hàng năm Tòa án nhân dân các cấp của tỉnh giải quyết hơn 13.000 vụ án thì trong đó có hơn 7.000 vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai với các nguyên nhân do cấp đất chồng lấn, xác định ranh giới không rõ ràng, cấp đất trái thẩm quyền... Những năm sau các vụ việc cũng cùng nguyên nhân như các năm trước, điều đó cho thấy chất lượng của đội ngũ cán bộ tham mưu để lãnh đạo các cấp ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Nhiều địa phương trong tỉnh khi điều tra, khởi tố vụ án thì bắt đầu xuất hiện hiện tượng cò đất, cò cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có trường hợp cán bộ địa chính kiêm cò cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, riêng tại huyện Quỳnh Lưu có 03 trường hợp như vậy. Cán bộ địa chính kiêm cò đất vi phạm vào hai tội: Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thực hiện hành chính công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản” – ông Sơn cho hay./.

Theo Phan Quỳnh - nghean.gov.vn