Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản thống nhất nội dung các báo cáo cũng như nội dung dự thảo các Nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Đại biểu ghi nhận và đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số khó khăn, thách thức, những tồn tại hạn chế mà UBND tỉnh, các ngành cần phải có giải pháp mạnh, đột phá để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đã đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Công Văn – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc cho rằng, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chậm, thu ngân sách đạt thấp. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thu ngân sách của tỉnh đạt từ 25-30 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay đã nửa nhiệm kỳ với kết quả thu ngân sách trong thời gian qua, nếu UBND tỉnh không có giải pháp đột phá, bước đi “ngoạn mục” thì không thể đạt được chỉ tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, hiện có nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, có những dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai làm lãng phí tài nguyên và nguồn lực rất lớn của tỉnh nhà, đơn cử như các dự án nhà máy nước, hiện còn 14 dự án nhà máy nước đầu tư dang dở, tỉnh cần có phương án xử lý dứt điểm.
Trong công tác cải cách hành chính (CCHC) mặc dù có chuyển biến, cải thiện về các chỉ số nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng. Một số thủ tục còn rườm rà cần phải cắt giảm; cần phải coi trọng đạo đức công vụ, sự liêm chính của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Riêng trên địa bàn huyện Nghi Lộc, đại biểu Nguyễn Công Văn đề nghị UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT Đông Nam cần triển khai xây dựng mương thoát nước tại Khu công nghiệp WHA mở rộng. Đại biểu Văn cho hay, nhiều cử tri huyện Nghi Lộc phản ánh Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nghi Yên hiện nay gây “bức tử” kênh nhà Lê, đồng thời làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trên địa bàn, đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để xử lý vấn đề này, nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân ở trên địa bàn xã Nghi Yên thực sự yên như tên gọi. Nếu không được xử lý sớm sẽ gây ra sự bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, đại biểu Văn cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở GTVT nghiên cứu để bổ sung đường ngang dân sinh qua xóm Tiên Đồng, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc trên tuyến đại lộ Vinh – Cửa Lò (đường 72m).
Liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), việc chênh lệch lớn giữa giá đất đền bù nơi đi và nơi đến khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cuộc sống ở nơi ở mới, đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan nghiên cứu đề có sự điều chỉnh hợp lý. Đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để giúp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án tòa nhà Nam Đàn Plaza; đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xây dựng lan can ở cống Bara Nam Đàn 2.
Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt – đơn vị Quỳnh Lưu đề nghị tỉnh cần có chính sách thu hút mời gọi đầu tư đối với các dự án dân sinh như xử lý rác thải, nhà máy nước sạch... nếu để tự địa phương kêu gọi đầu tư thì gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu Nguyệt cũng đề nghị tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ các làng nghề; đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan cho biết những đơn vị hành chính thuộc diện phải sáp nhập trong thời gian này có được xây dựng mới các công trình phúc lợi không?
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã phân tích về tình hình chung gặp rất nhiều khó khăn không chỉ riêng Nghệ An mà là của cả nước ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động xuất khẩu do thiếu, giảm đơn hàng, chính vì vậy đã tác động lớn đến tăng trưởng chung của đất nước cũng như của các địa phương, trong đó có Nghệ An. Điều này được thể hiện rất rõ qua tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua chỉ đạt 5,79% là kết quả thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Về thu ngân sách, 6 tháng đầu năm đạt 8.448 tỷ đồng, đạt 53,8% dự toán HĐND tỉnh giao, song nếu so với năm 2022 thì mới đạt 80% cùng kỳ năm ngoái, rất nhiều khoản thu giảm, nhất là thu từ tiền sử dụng đất.
Chỉ tiêu thu ngân sách của HĐND tỉnh giao trong năm 2023 là 15.857 tỷ đồng, tuy nhiên UBND tỉnh quyết tâm duy trì số thu ngân sách bằng năm 2022 trên 20.000 tỷ đồng. Việc giữ chỉ tiêu này là rất khó, song chính vì khó khăn, thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, trong bức tranh chung với nhiều khó khăn vẫn có những điểm sáng như tăng trưởng của nông nghiệp vượt kịch bản đặt ra với hơn 6%, vụ Xuân được mùa ở cả 3 tiêu chí – năng suất, sản lượng, giá cả. Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực có sự phát triển ổn định là bệ đỡ cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Điểm sáng nữa là thu hút đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm tỉnh đã thu hút đầu tư với số vốn hơn 22.000 tỷ đồng cho 65 dự án mới và 81 dự án điều chỉnh. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt được kết quả rất tích cực. Mặc dù chỉ với 15 dự án (8 dự án mới, 7 dự án điều chỉnh) đã thu hút được số vốn hơn 700 triệu USD. Hiện Nghệ An đang đứng thứ 8 trong các tỉnh, thành cả nước về thu hút FDI, đây chính là nguồn lực phát triển lâu dài của tỉnh.
Với địa bàn hết sức khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc quan tâm giải quyết những vấn đề cho người nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm trong nhiều năm, nhất là trong năm nay, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người nghèo – một chương trình hết sức ý nghĩa, đầy tính nhân văn. Và đến nay, tỉnh đã huy động được nguồn lực hơn 600 tỷ đồng, đã hoàn thành hơn 3.000 ngôi nhà cho người nghèo. Đây cũng chính là điểm sáng của tỉnh trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, để hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được mục tiêu của cả nhiệm kỳ, cần phải có giải pháp, quyết tâm cao hơn nữa. Tới đây, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng tạo điều kiện, tiền đề và nền tảng cho tỉnh phát triển trong giai đoạn mới.
Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Công Văn về việc hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch UBND nhấn mạnh, chúng ta cần phải có niềm tin và quyết tâm để thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra bằng những việc làm cụ thể. Đó là tập trung, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết mới của Bộ Chính trị. Hiện tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được ban hành sẽ tạo tiền đề và điều kiện phát triển của tỉnh gắn với các Nghị quyết để thực hiện mục tiêu trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó, cần tập trung thực hiện các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, dự án động lực. Trước mắt, tập trung thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh; sớm triển khai thực hiện 2 dự án hạ tầng chiến lược xây dựng Cảng nước sâu, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Nhiệm vụ rất nhiều, nhưng UBND tỉnh lựa chọn những việc cần phải ưu tiên chỉ đạo thực hiện, trong đó phải tập trung và thực hiện hiệu quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Mặc dù phiên họp thường kỳ nào, UBND tỉnh cũng đôn đốc, nhắc nhở song qua 6 tháng vẫn còn 20 chủ đầu tư chưa giải ngân vốn đầu tư.
Cải cách hành chính mặc dù có chuyển biến, các chỉ số được cải thiện vị trí nhưng thực tế đâu đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đạo đức công vụ “có vấn đề”. Người đứng đầu các ngành, các địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác CCHC.
Trao đổi về các kiến nghị của đại biểu, dưới góc độ lãnh đạo UBND tỉnh, khẳng định quyết tâm thực hiện để đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mặc dù khó nhưng phải làm, “trong cái khó ló cái khôn”. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương cùng đồng hành, với quyết tâm làm hết sức mình để đạt được kết quả tốt nhất.
Về xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, không triển khai, UBND tỉnh đang xử lý từng bước. Với 14 dự án nhà máy nước đang thực hiện dở dang, tới đây tỉnh sẽ bố trí ngân sách để hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Dự án mương thoát nước tại khu công nghiệp WHA mở rộng sẽ sớm được triển khai để giải quyết tình trạng ngập khu vực này khi xảy ra mưa lớn.
Liên quan đến khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát để thu hút nhà đầu tư đảm bảo điều kiện thực hiện.
Về đề xuất mở đường ngang dân sinh trên đại lộ Vinh – Cửa Lò đoạn qua xóm Tiên Đồng, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải xem xét thực tế, không để làm mất mỹ quan và gây mất an toàn giao thông.
Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung mong muốn các đại biểu cũng như lãnh đạo các ngành, địa phương cùng chia sẻ và đồng hành cùng UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu; cùng gánh vác trách nhiệm để xây dựng Nghệ An ngày càng phát triển.
Tại phiên thảo luận tổ, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có trao đổi về những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm liên quan đến các nội dung: Kinh phí hỗ trợ các làng nghề, việc xây dựng trụ sở công an xã, xây dựng các công trình phúc lợi tại các xã thuộc diện phải sáp nhập đơn vị hành chính; kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc...
Theo Phan Quỳnh - nghean.gov.vn