Thanh tra 26 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản

Thực hiện quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước về môi trường và khoáng sản của Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có báo cáo gửi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo kế hoạch trong năm 2022, sẽ có 26 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động khoáng sản được thanh tra như: Công ty Xi măng Nghi Sơn (thị xã Hoàng Mai), Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai và Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Công ty Cổ phần Xi măng Tân Thắng (Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai), Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 (huyện Anh Sơn), Công ty Cổ phần Than Khe Bố (huyện Tương Dương), Công ty Cổ phần Đô Linh (huyện Quỳ Châu).

Các doanh nghiệp đóng tại huyện Quỳ Hợp gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Trung Hải - Nghệ An, Công ty TNHH Khoáng sản OMYA Việt Nam, Công ty Cổ phần Khoáng sản Nghệ An, Công ty Cổ phần Khoáng sản Á Châu, Công ty TNHH Khoáng sản Trung Nguyên Nghệ An (nhận chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ), Công ty Cổ phần Đá Châu Á, Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Hoàng Gia, Công ty TNHH Toàn Thắng, Công ty TNHH Phú Thắng, Công ty Cổ phần Đồng Tiên, Công ty TNHH Invecon Quỳ Hợp, Công ty TNHH Thương mại Kiều Phát (nhận Chuyển nhượng từ Công ty TNHH Thành Trung), Công ty TNHH Thiếc Hà An, Công ty Cổ phần An Sơn, Công ty Cổ phần An Lộc.

Ngoài việc thanh tra một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, Thanh tra tỉnh còn tiến hành làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, các sở, ngành về công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

30-1648803685-khai-thac-khoang-san1-1648825314.jpg
Sẽ có 26 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động khoáng sản được thanh tra trong năm 2022 tại Nghệ An. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào tháng 10/2021, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản của doanh nghiệp và trách nhiệm của UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Theo danh sách các tổ chức khai thác khoáng sản được kiểm tra (ban hành kèm Quyết định số 3892/QĐ-UBND), có 12 doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu được Đoàn liên ngành kiểm tra. Trong đó, huyện Quỳ Hợp có 9 doanh nghiệp; huyện Tân Kỳ có 2 doanh nghiệp; huyện Quỳnh Lưu có 1 doanh nghiệp. Ngoài ra, 4 huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Nam Đàn được kiểm tra về trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều nhức nhối

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có: 61 giấy phép do Bộ TN&MT cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh Nghệ An cấp.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số loại khoáng sản như: đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, gây thiệt hại về người, tài sản. Điển hình là khai thác đá trắng, quặng thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp; khai thác đá xây dựng ở các địa phương như Tương Dương, Yên Thành, Đô Lương...

Về công tác thanh, kiểm tra, năm 2020 triển khai 86 đoàn thanh tra, kiểm tra, truy thu hơn 25 tỷ; 11 tháng năm 2021 thực hiện 60 đoàn, truy thu 15,6 tỷ. Tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trong đó, có 2 hiện tượng: Khai thác trái phép, khai thác vượt công suất thiết kế. Hiện tượng này diễn ra các hoạt động khai thác đất đá, cát sỏi, quặng thiếc.. công suất ít khai thác nhiều.

Lý giải nguyên nhân là do nhu cầu thực tế về tài nguyên lớn hơn so với trữ lượng, công suất cấp phép hàng năm. Nhiều doanh nghiệp không muốn trốn thuế nhưng viết hoá đơn sẽ vi phạm quy định. Giải pháp căn cơ phải xác định được nhu cầu thực tế để cân đối quy hoạch, đáp ứng nguồn cung; Khai thác nhiều nhưng kê khai ít, kê khai thuế khác với sản lượng thực tế. Tuy phát hiện ra nhưng ngành Thuế không có đủ thẩm quyền, chức năng xác định thực tế sản lượng khai thác. Cục thuế Nghệ An đã có văn bản gửi Sở TNMT, Bộ TNMT giải quyết vấn đề này để làm cơ sở xác định mức thuế phải nộp để chống thất thu ngân sách.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Trịnh Thanh Hải, công tác quản lý tài nguyên nói chung, quản lý thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khoáng sản còn rất nhiều bất cập, hiện tượng lãng phí, thất thoát tài nguyên, thất thu thuế vẫn còn diễn ra.

Để minh chứng cho nhận định trên, ông Trịnh Thanh Hải chỉ ra hai hiện tượng. Trước hết là hiện tượng khai thác trái phép, hoặc khai thác vượt công suất thiết kế diễn ra ở các hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi, kể cả quặng thiếc ở Quỳ Hợp. Nguyên nhân là do nhu cầu thực tế về tài nguyên, khoáng sản lớn hơn trữ lượng, công suất được cấp phép khai thác hàng năm. 

Bên cạnh đó, hiện tượng khai thác nhiều nhưng nhưng kê khai thuế và sản lượng thực tế khai thác rất ít. Ngành Thuế đã rà soát và phát hiện ra hiện tượng này nhưng ngành không đủ thẩm quyền, không có nghiệp vụ để xác định sản lượng thực tế khai thác chính xác. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An cho biết, khoáng sản là một vấn đề nóng mang tính thời sự được đông đảo cử tri, nhân dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh quan tâm.

Để làm tốt công tác quản lý khoáng sản trong thời gian tới, đề nghị Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các Sở ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 1 số nội dung: tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý Nhà nước về khoáng sản đến tất cả các cấp các ngành, địa phương trong toàn tỉnh./.