Theo kết luận thanh tra việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế vừa được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 27/1, việc tham mưu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan ở Bộ Y tế còn nhiều hạn chế, vi phạm.
Vụ trưởng vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng
Kết luận thanh tra chỉ rõ, Bộ Y tế đã xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc thiếu chặt chẽ, chưa đủ cơ sở, các định mức và giá vật tư y tế tiêu hao không sát thực tế sử dụng (cao hoặc thấp hơn).
Chưa rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định bất cập về định mức kinh tế kỹ thuật để kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Không ban hành đầy đủ giá của 18.239 dịch vụ thanh toán bảo hiểm y tế, thực hiện việc phiên tương đương về giá dịch vụ dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Không quy định cụ thể, chi tiết trong việc thanh toán của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những thuốc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng có giá trúng thầu cao bất hợp lý khi quy đổi về cùng hàm lượng tương đương.
Bộ Y tế cũng không phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 93/2014 của Chính phủ.
Vẫn có trường hợp trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh không đúng nhưng không được kiểm tra, phát hiện và xử lý như: bác sĩ điều trị kê đơn chỉ định sử dụng thuốc không đúng theo tờ đăng ký thuốc lưu hành tại Việt Nam trong hồ sơ đăng ký thuốc được phê duyệt.
Việc thành lập Hội đồng tư vấn Quốc gia về chính sách bảo hiểm y tế còn hình thức, không xây dựng được Quy chế hoạt động dẫn đến không phát huy được vai trò, nhiệm vụ.
Còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao: Chưa tham mưu xây dựng được Luật quy định đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế và vật tư y tế, các quy định nhằm quản lý nói chung và trong mua sắm nói riêng về trang thiết bị y tế, vật tư y tế chưa được xây dựng đầy đủ. Trong thời gian dài, Bộ Y tế không công khai kết quả trúng thầu trên trang thông tin điện tử theo quy định của Chính phủ.
Việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn (đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ Công ty Việt Á "thổi giá" kit test Covid-19) vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm tại Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự
Trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu thuốc ở Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện việc ban hành danh mục đấu thầu thuốc tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá chậm so với quy định; chưa kịp thời công bố các loại thuốc biệt dược đã hết bảo hộ độc quyền, hết thời gian bảo hộ thương mại đã có thuốc Generic nhóm 1 thay thế.
Bộ Y tế chưa phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sửa đổi, bổ sung quy định về kê đơn thay thế các thuốc biệt dược gốc bằng thuốc generic là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Việc công khai giá trúng thầu thuốc trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược còn nhiều trường hợp chậm, chưa thực hiện nghiêm.
Trong khi đó, việc phê duyệt kế hoạch mua sắm trực tiếp với những thuốc không có tên trong kế hoạch đấu thầu được phê duyệt trước đó, vượt 20% số lượng đã trúng thầu hoặc vượt giá trị 2 tỷ đồng/năm, vi phạm Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BYT-BTC.
Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bạch Mai mời thầu mua thuốc thí điểm cho nhà thuốc bệnh viện năm 2018, 2019 đối với 2/3 gói thầu theo tên thương mại là trái quy định. Tuy nhiên, thí điểm nhằm đáp ứng tình trạng khan hiếm thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện, chỉ thực hiện đối với 2 gói thầu cụ thể, sau đó đã chấm dứt, không còn thực hiện.
Cơ quan thanh tra còn phát hiện, Cục Quản lý dược ra quyết định cấp phép sản xuất gia công, đóng gói thứ cấp cho Công ty Pharbaco đối với 10 thuốc chữa ung thư nằm trong danh mục 105 thuốc bị rút số đăng ký của Công ty Intas Pharmaceutical Ltd, India đã bị doanh nghiệp lợi dụng để tham gia dự thầu, có thể bị lợi dụng đưa thuốc vào lưu thông, vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 Luật Dược 2005 và Thông tư 44 của Bộ Y tế.
Thanh tra Chính phủ cho biết, Bộ Y tế đã cung cấp văn bản của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu- Bộ Công an để khẳng định các loại thuốc này không đưa ra thị trường tiêu thụ, chỉ để kiểm nghiệm, nghiên cứu (hiện nay số thuốc này đã hết hạn sử dụng).
"Trách nhiệm trong việc cấp phép sản xuất gia công, đóng gói thứ cấp cho Công ty Pharbaco đối với 10 loại thuốc chữa ung thư nêu trên thuộc Cục Quản lý dược"- kết luận nêu rõ.
Ngoài ra, việc chậm thành lập Trung tâm mua sắm tập trung quốc gia, Hội đồng đàm phán giá thuốc và chậm ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đàm phán giá thuốc dẫn đến việc đàm phán giá thuốc đến năm 2018 mới được triển khai thực hiện.
Việc đàm phán giá thuốc năm 2018 chỉ thực hiện 4/8 mặt hàng thuốc thuộc danh mục được đàm phán giá, thời gian đàm phán kéo dài dẫn đến các cơ sở y tế phải sử dụng hình thức mua sắm khác để đáp ứng thuốc trong năm, không được thụ hưởng kết quả giảm giá sau đàm phán; quá trình đàm phán giá đối với gói thầu số 01 Cung cấp thuốc biệt dược gốc Cerebrolysin" còn sai sót, không làm rõ ý kiến thành viên Hội đồng đàm phán, dẫn đến giá thuốc sau đàm phán giảm ít.
Việc xây dựng số lượng thuốc đấu thầu tập trung năm 2017 không sát với nhu cầu sử dụng thực tế của cơ sở khám chữa bệnh, chưa thực hiện đúng quy định.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện việc xét thầu, lựa chọn nhà thầu còn nhiều sai phạm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự đối với nhà thầu trúng thuốc Xalvobin 500mg film-coated tablet là Liên danh Công ty UNI-Văn Lang, cần tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ theo quy định pháp luật. Đây là một trong 7 vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Bộ Công an để tiếp tục làm rõ dấu hiệu hình sự./.