Văn bản do bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp ký nêu rõ: Trên Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống ngày 24/8/2022 đăng bài "Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược" liên quan đến một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành y - dược. Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu:
Hiệu trưởng các trường cao đẳng đào tạo khối ngành sức khỏe chỉ đạo các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc trường tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH; thường xuyên thực hiện từ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại trường theo hướng dẫn tại Công văn số 163 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp để kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế trong tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường.
Tổ chức rà soát việc liên kết đào tạo, mở địa điểm đào tạo để tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành, nghề trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp thuộc khối ngành sức khỏe theo hướng dẫn tại Công văn số 1000 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trước ngày 20/9/2022.
Thực hiện công bố công khai thông tin về cấp văn bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử của Trường và cập nhật các thông tin về cấp văn bằng tốt nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp.
Trường hợp, nhà trường không cập nhật dữ liệu văn bằng tốt nghiệp theo quy định nêu trên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp xem xét, quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
Hiệu trưởng nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội về chất lượng đào tạo hoặc để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong tuyên sinh, tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho người học các ngành, nghề đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe.
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng đề nghị cơ quan chủ quản (đối với trường cao đẳng công lập), hội đồng quản trị (đối với trường cao đẳng ngoài công lập) các trường cao đẳng đào tạo khối ngành sức khỏe thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hiệu trưởng các trường thuộc quyền quản lý thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành, nghề đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe bảo đảm đủ khối lượng kiến thức tối thiểu, kỹ năng người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo đúng quy định quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
Cơ quan chủ quản của các trường cao đẳng công lập chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với hiệu trưởng, tổ chức, cá nhân có liên quan của trường cao đẳng trực thuộc nếu để xảy ra sai phạm trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo khối ngành sức khỏe nói riêng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thuộc quyền quản lý nhà nước.
Các trường cao đẳng nghề đang có sự lộn xộn, chưa có sự thống nhất trong quản lý
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nhìn nhận: "Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tiêu cực trong công tác tuyển sinh và đào tạo gây bức xúc dư luận, đặc biệt đối với khối ngành y dược thì càng được quan tâm bởi các sinh viên đó sẽ làm việc trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Chính vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận một cách tổng thể, xem xét nguyên nhân tại đâu mà liên tiếp xảy ra tiêu cực, không đảm bảo chất lượng đào tạo, rồi hàng loạt sinh viên, học viên không đi học vẫn có điểm, hay đi học một cách "ấm ớ" cũng được điểm cao, cũng ra trường, thậm chí, bằng tốt nghiệp loại giỏi cũng rất nhiều".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đặt ra vấn đề: Phải chăng sau khi các cơ sở giáo dục được giao cơ chế tự chủ, đã vô tình tạo ra mặt trái, một số trường vì muốn thu hút sinh viên, học viên mà không tự tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo của mình, lại nghĩ đến cách tuyển sinh dễ dãi, để sinh viên đến trường học hay không cũng được, vẫn có điểm, vẫn tốt nghiệp. Đây là việc quản lý dễ dãi, xem nhẹ chất lượng, dẫn đến hệ luỵ lớn.
Uỷ viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, việc quản lý các trường cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề đang có sự lộn xộn, chưa có sự thống nhất, thậm chí chồng chéo. Do vậy, sau sự việc lần này các bộ ngành, đơn vị chức năng cần họp bàn để có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn và chặt chẽ hơn./.