Chuyện khó tin đằng sau tấm bằng cao đẳng chính quy Y dược do một tài xế xe ôm thi hộ mà có được.
Trong vai là những người có nhu cầu cần bằng cao đẳng y - dược để làm trình dược viên và mở quầy thuốc, chúng tôi được cán bộ của Trường Cao đẳng Dược Hà Nội (thành lập từ năm 2007, trụ sở chính tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) tiếp nhận hồ sơ. Với những người bận công việc không có thời gian đi học, những người này có "cơ chế" giúp học viên không cần phải đi học bất kỳ buổi nào trong suốt quá trình đào tạo.
Sau khi đã nộp học phí 2 kỳ là 14.000.000 đồng cho Trường Cao đẳng Dược Hà Nội và chỉ cần cuối kỳ đến lấy đề thi, đáp án kết thúc các môn về chép, nộp lại, chúng tôi được cán bộ tuyển dụng chèo kéo: Nếu muốn có bằng sớm, họ sẽ chuyển hồ sơ sang trường khác chuẩn bị thi tốt nghiệp. Vẫn hình thức không cần đi học tuy nhiên sẽ phải bổ sung thêm 28.000.000 đồng tiền học phí cho trường này.
Ngay sau khi đóng tiền, chúng tôi nhận được thông báo có tên trong danh sách học viên đã trải qua toàn bộ khoá học và đủ điều kiện dự thi kỳ thi tốt nghiệp của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ (đơn vị sự nghiệp công lập có bề dày truyền thống trên 60 năm đào tạo các chuyên ngành chăm sóc sức khỏe, đóng tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tổ chức; địa điểm thi tại Viện Y Học Dự Phòng Quân Đội (Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội).
Do lịch thi báo gấp, một người trong nhóm phóng viên đang đi công tác nên xin thi sau. Lúc này, giáo viên chủ nhiệm tên H.T. và một cán bộ tuyển dụng trong hệ thống đào tạo cao đẳng ngành y - dược mà chúng tôi quen trước đó đều trả lời rằng: "Có thể nhờ người khác đi thi hộ".
Người mà chúng tôi nhờ đi thi hộ là một anh xe ôm, không có bất kỳ giấy tờ nào của học viên nhưng không bị kiểm tra mà vào thẳng phòng thi.
Đề thi môn đầu tiên của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ ghi rõ: "Môn thi: Dược liệu Nâng cao, thời gian làm bài 90 phút, thí sinh không được sử dụng tài liệu". Thế nhưng trước khi bước vào phòng thi, chúng tôi đã được một người phụ nữ mặc áo vàng phát tài liệu cho thí sinh mang vào phòng thi chép. Việc này diễn ra công khai, thậm chí việc sử dụng điện thoại cũng không bị ngăn cấm.
Thỉnh thoảng, phía bên Phòng Đào tạo, nơi hội đồng coi thi làm việc, có người ra vào để kiểm tra lấy lệ.
Dù cùng lớp, cùng khoá tham gia kỳ thi tốt nghiệp do Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tổ chức nhưng đa phần mọi người đều không quen biết nhau. Rất nhiều người trong số đó cũng như chúng tôi đó là không tham gia quá trình đào tạo, nộp đầy đủ học phí và đến thi tốt nghiệp để lấy bằng.
Quan sát bên trong phòng thi tốt nghiệp, hơn 50 thí sinh dự thi chung đến từ hai lớp văn bằng 2 và liên thông. Nhóm của chúng tôi thuộc diện "đập hộp", nghĩa là đăng ký từ đầu, chưa từng qua đào tạo bất kỳ trường hợp nào liên quan đến ngành y - dược…
Môn thứ 2, ngay khi giám thị vừa phát giấy thi, nhiều thí sinh đã hì hục chép đáp án được phát trước lúc vào phòng thi dù chưa được nhận đề bài. "Chép nhanh đi còn ngồi thừ ra đấy", một thí sinh tuổi ngồi cạnh nhắc nhở khi thấy chúng tôi vẫn đang đợi phát đề bài.
Cầm đề bài vừa được giám thị phát trên tay, chúng tôi so sánh với bản photo câu hỏi cùng đáp án được phát trước khi vào phòng thi thì giống 100%.
Trong rất nhiều môn thi tốt nghiệp diễn ra trong một ngày, chỉ có duy nhất một môn thi trắc nghiệm là Tin học ứng dụng. Ở môn thi này, tất cả thí sinh cùng chung một mã đề. Khi chúng tôi còn đang loay hoay chưa biết làm bài thế nào thì thấy giám thị ở trên đọc đáp án cho thí sinh ở dưới khoanh. Thời gian làm bài thi là 60 phút nhưng tất thảy thí sinh chỉ khoanh theo đáp án của giám thị khoảng 5 phút là xong và nộp bài.
"Chúng tôi cũng muốn tiết kiệm thời gian cho các anh chị, thôi thì mất công đi xa đến đây thì thi các môn luôn một buổi cho gọn, cũng còn vài môn nữa thôi", một giám thị nói. Còn phía dưới, thí sinh nhao nhao đồng tình.
Các môn thi tự luận còn lại diễn ra tương tự dưới dạng: Phát đề - phát luôn cả đáp án. Thí sinh miệt mài chép, rút ngắn thời gian làm bài tối đa. Khi thí sinh cuối cùng chép xong, cả phòng thi sẽ được phát đề thi và đáp án của môn thi mới. Tất cả đề thi và đáp án đều được thu lại sau đó, thí sinh không được phép mang về. Cả phòng thi ai nấy cũng hồ hởi vì làm bài dễ dàng, chẳng phải mất công học hành hay tư duy cho hệ đào tạo ngành y - dược – liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ con người
Buổi thi chiều bắt đầu từ khoảng 13 giờ, vẫn những gương mặt cũ, vị trí cũ nhưng hình thức thi thì đã có sự thay đổi. Để tiết kiệm thời gian nhất, ai xong trước lên nộp bài trước rồi lấy luôn đề và đáp án của môn tiếp theo, xong sớm về sớm. Giám thị cũng không còn sát sao đi lại nhắc nhở như buổi sáng, thay vào đó, mỗi người ở mỗi góc… nghịch điện thoại.
Cả ngày "thi chép" khoảng chục môn (tuỳ theo lớp văn bằng 2 hoặc lớp liên thông) khiến nhiều thí sinh than thở "mỏi tay". Nghe vậy, giám thị nhắc nhở: "Chép lấy 7 - 8 điểm thôi chứ đừng tham quá lấy 10 điểm nhé các anh chị".
Càng về cuối buổi, bên trong phòng thi tốt nghiệp càng nhốn nháo, lộn xộn do người lên người xuống, nộp bài – lấy đề liên tục. Thời gian trung bình để làm một bài thi chỉ khoảng 25 đến 40 phút. Cả hai lớp cùng thi những môn chung nhưng lớp liên thông có số môn thi ít hơn nên được về trước. Giám thị vẫn không quên nhắc nhở những thí sinh còn lại trong phòng: "Chỉ cần chép những ý chính thôi, anh chị không cần thiết phải chép hết cả bài. Kiểu gì cũng tốt nghiệp loại giỏi ấy mà".
Đến khoảng hơn 17 giờ thì thí sinh cuối cùng ra khỏi phòng thi, kết thúc khoảng chục môn thi tốt nghiệp trong vẻn vẹn một ngày.
8 tháng sau khi thi tốt nghiệp, chúng tôi bất ngờ khi được nhóm cán bộ tuyển dụng Trường Cao đẳng Dược Hà Nội gọi lên nhận được bảng điểm toàn khoá, giấy chứng nhận tốt nghiệp của Hiệu trường Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (!!?). Chờ đợi thêm 5 tháng, chúng tôi được nhận Bằng Tốt nghiệp Cao đẳng Danh hiệu Cử nhân Thực hành, hình thức đào tạo: Chính quy cấp bởi Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (thành lập năm 2014, được giới thiệu là một trong những trường đào tạo ngành y - dược hàng đầu miền Nam).
Khi thắc mắc về việc chúng tôi đăng ký học và nộp học phí cho Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, sau đó lại nộp thêm học phí để dự thi tốt nghiệp sớm của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và cuối cùng lại được nhận bằng của Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn thì nhận được trả lời: "Các trường cùng hệ thống đào tạo y - dược với nhau. Các anh có phải đi học đâu mà quan trọng trường nào vì bằng hệ cao đẳng y - dược chính quy đều như nhau cả. Với bằng này các anh có thể làm dược sĩ, mở quầy thuốc, hoặc làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe rồi (!?).
Nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do nhà thuốc kê đơn bừa
Nhiều bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp người dân nhập viện cấp cứu do tự ý mua thuốc mà không theo đơn của bác sỹ. Mới đây nhất, một bé gái rơi vào tình trạng cứng gáy, mê sảng xuất phát từ việc dược sỹ bán nhầm thuốc. Qua tìm hiểu, bé gái này có bệnh mãn tính về tim mạch, cộng với sốt cao nên bố mẹ đã ra quầy thuốc gần nhà mua về cho con uống. Tuy nhiên người bán thuốc do không có kinh nghiệm, bán thuốc theo cảm tính dẫn đến phản ứng phụ, ngộ độc.