THANH Chương trước Công nguyên gọi là Hàm Hoan, tiếp đó là huyện Cửu Đức, Thổ Du. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, đặt tên huyện là Thanh Giang thuộc phủ Đức Quang. Tính từ ngày đó, đến 2024, đúng 555 năm chẵn.
Năm trăm năm mươi lăm năm là lịch sử một cái tên. Còn lịch sử con người ở đây ít nhất có từ hai vạn năm trước, thời văn hóa Sơn Vi qua những di chỉ khảo cổ học ở Đồi Dùng (xã Thanh Đồng), đồi Rạng (xã Thanh Hưng).
Trong Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi viết: Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc-Nam cũng khác/ Từ Triệu Đinh Lý Trần Lê bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…
Để cất lên tiếng nói hào sảng ấy; từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu phất cờ đến thời thắng đế quốc Mỹ, nhân dân cả nước, trong đó có đội quân của Xứ Nghệ đã anh dũng chiến đấu hy sinh từ đời này sang đời khác. Danh tướng Nguyễn Chích đã hiến kế cho Lê Lợi: "Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông… dựa vào nhân lực, tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ". Tiêu biểu cho người Thanh Chương theo Lê Lợi có Phan Đà, người Võ Liệt. Dọc dài sông núi Thanh Chương, vẫn còn những địa danh âm vang thuở ấy như Bãi Trận, Thành Bình Ngô , xóm Bình Ngô,…
Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân 1788, Quang Trung mang năm vạn quân tới Nghệ An. Theo Nghệ An chí của Bùi Dương Lịch, tổng số đinh nam của Nghệ Tĩnh lúc đó có 12,5 vạn người, trong 10 ngày đã có năm vạn người hăng hái nhập ngũ. Với đội quân ấy, chỉ trong mấy ngày, Quang Trung đã đại phá hơn 20 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long, thu lại nền độc lập:
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
"Cố đô vẫn thuộc núi sông ta"
Khi Phong trào Cần vương (1885-1896) trong cả nước lắng xuống thì tại Đồn Nu, làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, tiếng súng chống Pháp vẫn rền vang. Có câu nói: "Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn chiến đấu. Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chưa chịu đầu hàng".
Một người con của làng Lương Điền là Đặng Thúc Hứa. Ông và nhiều anh em con cháu đã mở đường sang Xiêm, lập Trại Cày ở Phichit để thu hút, đào tạo các thanh niên yêu nước cung cấp cho Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội trong đó có Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng,…
Thời hiện đại, Thanh Chương cũng có nhiều danh nhân làm rạng rỡ quê hương, đất nước như Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Côn, Đặng Thai Mai, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Tài Cẩn,…; Trung tướng Nguyễn Đệ, Anh hùng phi công Nguyễn Ngọc Độ, Anh hùng Đặng Đình Hồ, …; các nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Phan Thanh Chương, NSND Xuân Huyền; các nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Võ Thanh An…; và nhiều danh nhân khác.
Để có những con người như vậy, trước hết cần phải có những người mẹ. Thanh Chương có những liệt nữ như bà Cửu Mén Đinh Thị Nguyệt, bà Đặng Quỳnh Anh, bà Tôn Thị Quế, hai chị em ruột đều là Anh hùng thời nay là Hoàng Thị Liên, Hoàng Thị Tuất. Hơn 400 bà mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng nghìn, hàng triệu bà mẹ anh hùng khác của Thanh Chương qua các thời kỳ lịch sử lam làm, nuôi sống cháu con, làm rạng rỡ cả một vùng đất xứng với tên gọi Thanh Chương nghĩa là Tươi Sáng.
★
Ở một vùng quê khắc nghiệt, thời tiết thất thường, chiến tranh và nguy hiểm luôn rình rập, với truyền thống yêu nước hun đúc từ nghìn đời, người Thanh Chương đã sớm nhận ra và hăng hái đi theo con đường cách mạng vô sản từ những năm 20 của thế kỷ 20. Người thanh niên trí thức Nguyễn Sỹ Sách người Thanh Lương sớm liên lạc với Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, trở thành Bí thư Kỳ bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tù đày, tra tấn không khuất phục, nêu gương hy sinh vì lý tưởng của người cộng sản.
Ngày 20/3/1930, Đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập tại Thanh Long, do đồng chí Tôn Gia Tinh làm Bí thư. Ánh lửa cách mạng khi bén vào cánh rừng yêu nước, khát khao giải phóng của người Thanh Chương, của người Nghệ Tĩnh, đã bốc cao thành đám cháy lớn. Cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, mà nông dân, học sinh Thanh Chương cùng với công nhân Trường Thi-Bến Thủy là người dẫn đầu, đã làm tan rã chính quyền thực dân - phong kiến trên một địa bàn rộng lớn, lập nên chính quyền Xô Viết công nông.
Chín năm kháng chiến chống Pháp, hai mươi năm chống Mỹ, cứu nước có thể nói là thời kỳ hào hùng nhất trong lịch sử Việt Nam. Không kể trên các chiến trường, người Thanh Chương trên đất quê nhà cũng đã lập nên những chiến công xuất sắc: Ngày 29/8/1965, quân và dân xã Thanh Khai bắn rơi chiếc máy bay thứ 500 của giặc Mỹ. Đội nữ phá bom của Phan Thị Nhị Thanh Lĩnh chỉ trong tháng 7, tháng 8/1967 đã phá được 30 quả bom nổ chậm, dũng sĩ Nguyễn Đình Thúy một mình phá 100 quả bom…
Tổng kết Kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân toàn huyện và 13 xã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Ngái ngôi chi mà anh nỏ về…
Người Thanh Chương hầu như ai cũng thuộc câu hát ấy của một nhạc sĩ họ Phan, yêu quê lấy tên huyện làm tên mình, nhạc sĩ Phan Thanh Chương. Thanh Chương xưa là đất tứ tắc. Huyện có ba mươi sáu bến đò ngang, nghe tiếng Thanh Chương là nghe tiếng gọi đò, có thân thiết nhưng cũng nhiều khắc khoải, lỡ làng. Có ai còn nghe câu ca vọng lại từ đói nghèo muôn kiếp: Cây đa ba nhánh chín chồi/ Ai về Tiên Hội cạp cồi lộ ngô; Thịt cá hương hoa, nhút cà gia bản… Thanh Chương như cánh hạc đầu đình, muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay…
Ai đi xa 10 năm, hoặc chỉ 5 năm sẽ khó nhận ra một Thanh Chương xưa. Thanh Chương đã thay đổi căn bản về tư duy và mô hình sản xuất, khi công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại hòa trộn vào nhau trong mỗi gia đình, mỗi tế bào kinh tế. Thanh Chương là một huyện điển hình trong xây dựng nông thôn mới với 29/37 xã đạt các tiêu chí một cách vững chắc. Cả huyện đã có 34 sản phẩm OCOP hấp dẫn người tiêu dùng và con số đó chưa dừng lại. Giáo dục phát triển toàn diện với 78,4% trường đạt chuẩn quốc gia.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 7% trong nhiều năm liên tục.
Năm 2023 thu ngân sách thường xuyên đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng; thu nhập đầu người tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước. Hạ tầng phát triển, thu hút đầu tư tăng nhanh: Đường nhựa đến tận thôn, các cây cầu mọc lên san sát nối những bờ vui như cầu Đò Cung, cầu Mô Vĩnh bên cầu Dùng, cầu Rộ… Nhà máy mọc lên khắp nơi như Nhà máy may Matsuoka xã Thanh Liên; nhà máy may Thanh Phong, Thanh Thịnh; nhà máy sản xuất viên nén gỗ xã Thanh Tùng…
Nông dân Thanh Chương bây giờ nhiều người là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp giàu có. Sản phẩm của họ không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn vươn tới các nước trong khu vực và Âu-Mỹ.
Có thể nói mỗi làng, mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi ngôi đền ở Thanh Chương đều là một điểm đến hấp dẫn. Đảo Chè thơ mộng như một chốn thần tiên hay Khu du lịch sinh thái tổng hợp HDT xã Thanh Thủy, các ngọn thác như Thác Liếp, Thác Cây Trám, Thác Cối, Thác Vặn, Hồ Sông Rộ, Đền Bạch Mã… đã trở thành những nơi tham quan, nghỉ dưỡng thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm...
★
"Về đi thôi, ta về đi thôi/ Niềm thương nỗi nhớ quê nhà giục ta rồi"- lời bài hát "Mơ quê" của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói lên tình cảm da diết của người con Thanh Chương xa quê. Thanh Chương có sông thời có bến, có kẻ đợi người chờ nói lên nỗi lòng người ở lại. Người đi xa, người ở lại đều dằng dịt yêu thương, cất lên những tình ca không dứt. Người đi xa, người ở lại sát cánh bên nhau đang viết nên bài ca mới, bài ca hạnh phúc!