Tháng 5, khi những đợt nắng oi ả chiếu trên dải đất miền trung đầy nắng và gió, khi những cây phượng vĩ nở đỏ trời nhung nhớ, nhân ngày kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), trong ta lại mang theo bao nỗi nhớ về Làng Sen quê Bác.
Có một ngôi làng mà những hình ảnh thân yêu, gần gũi đã in sâu vào tiềm thức người Việt. Nơi ấy có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru à ơi của mẹ, có câu dân ca mênh mang đồng đất núi sông,… Chính là làng Sen – quê hương của Bác Hồ kính yêu – người con ưu tú của dân tộc!
Từ thành Vinh đi theo đường 49 đến cây số 13, rẽ vào con đường đất đỏ rợp bóng bạch đàn và phi lao là đến làng Sen. Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn là quê nội của Bác Hồ. Chính nơi đây, gần thế kỷ trôi qua, không biết đã có bao nhiêu bước chân của những người con Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa từ trong tâm hồn mình. Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử – văn hóa Kim Liên và còn là di tích Quốc Gia đặc biệt.
Toàn bộ khu du tích Kim Liên bao gồm 4 cụm chính: khu quê ngoại Hoàng Trù (làng chùa), khu quê nội (làng Sen), núi Chung (xã Kim Liên) và khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Bác). Và đây cũng chính là một trong 4 di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Khu di tích Kim Liên – niềm tự hào người dân xứ nghệ
Ngôi làng mang tên Làng Sen bởi luôn ngát hương sen mỗi độ mùa sen về. Làng Sen đẹp như một bức tranh yên bình và như chính tâm hồn người dân nơi đây. Ngay từ khi bước chân trên con đường đất nhỏ dẫn vào ngôi nhà khi xưa Bác ở, một cảm xúc bồi hồi dâng lên khó tả, không sao kìm nén được. Đôi bờ tre rì rào trong gió, hàng râm bụt vẫn đung đưa nhè nhẹ, hoa cau, hoa bưởi còn thơm nồng, đặc biệt ngôi nhà tranh đã gắn bó với thời niên thiếu của Bác.
Đó là ngôi nhà được dựng bằng tre và gỗ 5 gian, lợp mái tranh, bé nhỏ, mộc mạc, đơn giản dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre. Đây là nơi ở chính của cả nhà Người ở, kế bên là nhà ngang sử dụng làm nhà bếp. Ngôi nhà được dân làng xây dựng vào năm 1901, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác thi đỗ Phó bảng, đem lại vinh dự cho cả làng. Trong nhà có những đồ dùng giản dị cũng như bao nhiêu căn nhà bình dân Việt Nam khác, gồm tấm phản gỗ để nằm, chiếc chõng tre, chum sành đựng nước và cái chạn bát bằng tre… Trước ngôi nhà có hai cái sân nhỏ và một thửa vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt.
Cả hai nếp nhà đều thấp, nhỏ bé, tiêu biểu cho những nếp nhà ở làng quê nông thôn Việt Nam, với vì kèo gỗ, với mái hiên cùng những tấm giại – liếp; với cổng ngõ khoảng sân phía trước – gắn liền với không gian rộng rãi của thiên nhiên.
Hai gian nhà phía ngoài là nơi đặt giường thờ và là nơi tiếp khách- đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh- chị cả của Bác Hồ. Hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của cả gia đình. Ở gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ là nơi cụ Phó bảng thường nằm đọc sách. Gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai phụ tử Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung ( tức Bác Hồ ).
Dù đã đỗ đạt song Nhà ở cụ Phó bảng vẫn sống thanh đạm. Phần nhiều các đồ đạc trong nhà đều do dân làng tặng, những kỷ vật tới giờ được gìn giữ hầu như nguyên vẹn.
Ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gắn bó với một thời kì quan trọng đầy ý nghĩa thời niên thiếu của cuộc thế Bác Hồ từ năm 11- 16 tuổi. Sau 50 năm xa cách quê nhà, Bác Hồ đã trở về thăm quê làng Sen hai lần vào năm 1957 và 1961. Cách làng Sen khoảng 2km là quê ngoại của Bác – làng Hoàng Trù, còn được gọi là làng Chùa, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, được mẹ nuôi dạy những năm tháng ấu thơ.
Bác Hồ về thăm quê hương năm 1957 (ảnh tư liệu)
Đến thăm làng Sen quê hương Bác, đặc biệt vào dịp hè khi tiếng ve ngân vang, những đóa hoa sen nở rực rỡ nhất ta sẽ như được sống lại với những ngày thơ ấu của Người.
Tháng 5 cũng là lúc những đóa hoa sen nở rộ nhất