Thông tin với Báo Giao thông hôm nay (23/6), Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cho biết, đây là một trong nhiều kiến nghị tổng công ty gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động SXKD.
Khoản vay này nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của tổng công ty. Khi thị trường phục hồi, có dòng tiền sẽ trả lại.
“Thực ra dự kiến 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Nhưng tổng công ty chỉ dám vay 800 tỷ là mức tối thiểu để duy trì dòng tiền hoạt động, cố gắng cầm cự với tính toán các chi phí thấp nhất, vì dù vay không lãi vẫn phải trả nợ”, ông Minh nói và cho biết, tổng công ty đang thực hiện các giải pháp siết chặt quản trị, giảm chi phí, bao gồm giảm lương trong điều kiện khó khăn SXKD hiện nay.
Cũng tại báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2020, hoạt động SXKD chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và việc triển khai thi công gói đầu tư 7.000 tỷ tuyến Bắc - Nam. Mặt khác, do ảnh hưởng nặng nề của đợt bão, lũ tại khu vực miền Trung tháng 11, 12 nên sản lượng, doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 81% so với năm 2019 và lỗ 1.300 tỷ đồng.
Sang đến năm 2021, tiếp tục ảnh hưởng bởi các khó khăn trên, 6 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 77% cùng kỳ 2020 và bằng 53% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Dự kiến năm 2021 lỗ 942 tỷ đồng.
“Kết quả kinh doanh như vậy ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền chung của toàn tổng công ty. Tổng công ty đã và đang cố gắng thực hiện hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để quản trị dòng tiền nhằm duy trì hoạt động SXKD. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hết năm 2021 và kéo dài sang năm 2022, tổng công ty sẽ mất hết vốn chủ sở hữu và đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến có thể dừng hoạt động SXKD”, báo cáo của TCT Đường sắt VN nêu.
Cùng với kiến nghị cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động, tổng công ty cũng kiến nghị có các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm vì dịch.
Đồng thời, tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 cho các năm tiếp theo để giảm khó khăn cho doanh nghiệp vận tải đường sắt. Theo đó, mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì 8% như trước đây.