Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu nói trên tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức sáng 16/11.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh hoá đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và Vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260 km) và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm...
Đặc biệt, đây là vùng đất có truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, rất anh hùng, vẻ vang, nơi sản sinh ra biết bao các anh hùng, hào kiệt, đã làm rạng danh lịch sử nước nhà và đây cũng là vùng đất có nền văn hoá lâu đời, nơi kết tinh nhiều giá trị tinh hoa, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều danh lam, thắng cảnh, di sản văn hoá, di tích lịch sử nổi tiếng. Người dân nơi đây có nhiều đức tính quý báu: Cần cù, chịu thương, chịu khó; tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, kiên cường, bất khuất vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bất trắc trong cuộc sống do thiên tai, địch hoạ gây ra.
Tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển vùng
Lý giải vì sao lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết mới về Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sau gần 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI, toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, cả về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý, phát huy có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế - xã hội vùng mới chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang tính tổng thể dấu ấn của toàn vùng. Các cực tăng trưởng, trung tâm phát triển và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện rõ vai trò là động lực tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng…
"Chính vì vậy, lần này Bộ Chính trị đã thống nhất cao, cho rằng cần phải ban hành Nghị quyết mới để tạo ra bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải.
Nghị quyết mới đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp cho phát triển vùng
Về những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết có 3 điểm đáng chú ý.
Một là, về quan điểm và tư tưởng chỉ đạo, nếu như Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX trước đây chỉ nêu rất ngắn gọn (21 dòng) về 3 quan điểm định hướng chung thì Nghị quyết lần này đã xác định rõ ràng, đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Nghị quyết đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò chiến lược, đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững sao cho tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng; bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa các vùng, miền, góp phần nâng cao trình độ và thu nhập của người dân, sớm bắt kịp với các vùng phát triển khác trong cả nước, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của các địa phương trong vùng và cả nước.
Hai là, về mục tiêu, có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: Tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh chuyến dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới; phát triển toàn diện văn hoá, xã hội vùng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong Vùng...
Nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế.
Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự ty hoặc tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.
Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn, giàu có, trù phú hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn mức bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng để vượt qua những khó khăn, thách thức và phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế to lớn vốn có của vùng.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng.
Tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp uỷ và tổ chức Đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cần khẩn trương ban hành Chương trình hành động và triển khai thực hiện Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong Vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng.
Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hoá Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc; kiên quyết "không đánh trống bỏ dùi", "không đầu voi đuôi chuột".
"Tôi tha thiết kêu gọi và tin tưởng rằng, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ngay sau Hội nghị này sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Trung; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền các cấp trong cả nước đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ theo tinh thần: Cả nước vì Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vươn lên cùng cả nước và vì cả nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu./.