Nhiều năm trước đây, nhân sự trong ngành tang lễ ở Trung Quốc hầu hết là người lớn tuổi, hầu như người trẻ trong nghề rất hiếm. Thế nhưng giờ đây khi người già về hưu thì số lượng nhân viên tang lễ là thế hệ 9X bắt đầu tăng lên.
Theo trang Zhihu, cô gái trẻ tên Hứa Ngôn từng cảm thấy khá bối rối khi nhận được tin báo trúng tuyển ngành Tang lễ. Cả gia đình cô từ bố mẹ đến hai bên ông bà nội ngoại đều tức giận và phản đối gay gắt khi thấy Hứa Ngôn có ý định học ngành này. Rất nhiều người vẫn còn giữ suy nghĩ coi đây là một ngành học kì quái, gắn liền với sự xui xẻo. Mặc dù vậy, Hứa Ngôn vẫn quyết định đến Cao đẳng Kỹ thuật và Nghề dân sự Trường Sa, tỉnh Hồ Nam để làm thủ tục nhập học.
Chuyên ngành tang lễ được chia thành 4 lớp học chính bao gồm dịch vụ, thiết bị, bảo quản và nghĩa trang. Theo gợi ý của giáo viên, Hứa Ngôn đã chọn đăng ký vào lớp nghĩa trang. Tại đây cô được học thiết kế bia mộ và quản lý, lập kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, cô cũng phải học các môn khác như Luật và quy định về tang lễ, giới thiệu dịch vụ và quản lý, nghi thức hay quảng cáo dịch vụ…
Cùng với Hứa Ngôn, các sinh viên theo học sau khi tốt nghiệp đều có thể vận hành được một nhà tang lễ, trang điểm cho tử thi và biết cách đối đãi, điều hòa cảm xúc với người thân và bạn bè của người đã khuất.
Trên thực tế, nhu cầu về nhân lực của ngành Tang lễ tại Trung Quốc là khá lớn, lên đến 10.000 người/năm nhưng số người được đào tạo ra chỉ bằng 1/20. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngành này sau khi ra trường sẽ có cơ hội tìm việc rất cao.
Bên cạnh đó, mức lương cho nhân viên ngành Tang lễ là khá ổn định, đi kèm với loạt phúc lợi tốt. Bộ Dân chính Trung Quốc từng công bố thu nhập trung bình của nhân viên nhà tang lễ là vào khoảng 6.000 NDT/tháng (hơn 21 triệu đồng), có nơi cao hơn thì 7.000 – 8.000 NDT/tháng (24,5 – 28 triệu đồng).
Reuters đưa tin, không riêng gì ở Trung Quốc mà tại Hàn Quốc, số sinh viên học ngành Tang lễ cũng ngày một tăng lên. Ngoài ra, Mỹ có nhiều đại học, cao đẳng đào tạo ngành này, riêng tại Illinois, Mississippi, New York hay Texas, mỗi nơi đã có 4 trường.
Ở Nhật Bản, ngành tang lễ còn có một tên gọi riêng là "shukatsu", giúp những người có nhu cầu có thể tìm kiếm trước các phương án để lo hậu sự./.