Vậy điều gì có thể xảy ra với thị trường xăng dầu và nguy cơ bất ổn nguồn cung có chấm dứt?
Ngày 16-3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trực tiếp đăng đàn để trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, điều hành xăng dầu.
Trong báo cáo được Bộ Công thương gửi tới các đại biểu Quốc hội trước ngày chất vấn đã khẳng định cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung; thay vì lấy nguồn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ động nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu trước mắt của quý 2-2022.
Giải trình về việc bất ổn nguồn cung thời gian qua, Bộ Công thương cho biết do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính nên không có chi phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm.
Dẫn tới từ tháng 1, nhà máy này giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55 - 60%, khiến việc giao hàng thực tế cho các thương nhân bị giảm 50% so với kế hoạch trong tháng 2 và giảm 20% trong tháng 3.
Đến nay, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng trong tháng 4, tháng 5 và chưa rõ kế hoạch vận hành lại sau tháng 5.
Vì vậy, trên cơ sở làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Bộ Công thương thống nhất trước mắt kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý 2-2022 cho thị trường trong nước sẽ không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn mà chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu được bộ này giao cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện.
Để đảm bảo cung ứng xăng dầu trong mọi tình huống, Bộ Công thương cho hay sẽ chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu theo tổng nguồn và hạn mức tối thiểu được phân giao. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo PVN triển khai các nhiệm vụ để nhanh chóng khắc phục sự cố Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định...
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, nên cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất (công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm), hai nhà máy này cung cấp khoảng 70 - 75% nhu cầu xăng dầu trong nước. Trong đó, nguồn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35 - 40%, nguồn từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%.
Như vậy, với tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, nếu trong năm 2021 sản lượng của Nghi Sơn là gần 7 triệu m3, thì để bù đắp lượng thiếu hụt từ nhà máy này, doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu thêm tới khoảng 2 triệu m3.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng khối lượng xăng dầu cần nhập để bổ sung trên là không nhỏ.
Thực tế, việc mua nguồn từ nhà máy lọc dầu trong nước giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng, thuận lợi hơn về các chi phí vận chuyển. Nếu mua nguồn nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ có hiệu quả kinh doanh khi có kế hoạch nhập khẩu dài hơi hơn, còn trong trường hợp bị động như thời gian qua sẽ dễ gặp rủi ro về giá.
Do đó, cần phải thúc đẩy đàm phán để khởi động sản xuất trở lại với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, có những quy chế và cam kết ràng buộc chặt chẽ hơn từ nhà máy này với nguồn cung xăng dầu nội địa.
Cần quy định tổng mức thuế đánh vào xăng dầu
Thực tế, giá xăng dầu càng tăng thì thu thuế càng nhiều vì nhiều loại thuế đánh tỉ lệ % trên giá. Điều này khiến giá càng bị đẩy lên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo đề nghị cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất của Bộ Tài chính đang chờ thông qua, cần tính toán tổng mức thuế trên cơ sở chi phí cố định để tính giá xăng dầu thay vì mức tính theo tỉ lệ % như hiện nay.
Điều này giúp cho số thuế tính giá xăng dầu được giữ ổn định, cố định ngay cả khi thị trường giá cả có biến động nhằm giảm tác động làm tăng giá xăng dầu./.