7u-1724664474.PNG
Công an Nghệ An đến các thôn, bản để tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm mua bán người. (Ảnh: Hoàng Ý)

Trong những năm qua, tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đời sống một bộ phận dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về pháp luật còn hạn chế; tình trạng thiếu việc làm, nhất là trong độ tuổi thanh niên còn nhiều... Đây là những yếu tố mà tội phạm mua bán người thường lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt mua bán phụ nữ, trẻ em...

Thượng tá Bùi La Sơn (Phó phòng Tham mưu Công an Nghệ An) cho biết, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng thường thông qua mạng xã hội để tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh nạn nhân đem đi bán. Nhiều trường hợp gây án có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, bóc lột nạn nhân...

Thời gian qua công an đã phát hiện thủ đoạn lừa gạt nạn nhân qua nước ngoài bán cho các băng nhóm tội phạm sử dụng để hoạt động lừa đảo trên không gian mạng hoặc đánh bạc trực tuyến. Khi đưa được một người Việt Nam qua, các đối tượng được trả từ 15 - 70 triệu đồng.

Một số nạn nhân bị mua bán, sau khi bị các đối tượng người nước ngoài khống chế, hoặc mua chuộc, giao “chỉ tiêu” phải lừa được các nạn nhân mới qua thì mới được trả lương, trả thưởng, hoặc cho lên làm các nhóm trưởng, tổ trưởng trong các băng nhóm lừa đảo. Do đó, từ vai trò là nạn nhân, họ lại trở thành đối tượng gây án...

“Tại địa bàn Nghệ An, các đối tượng chủ yếu là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm với mức lương cao; công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống nhàn hạ hơn và sẽ có một số tiền giúp đỡ gia đình… nên một số nạn nhân tin và đi theo”, Thượng tá Sơn cho hay.

Trước thực trạng trên, Công an Nghệ An đã tăng cường phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình; tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống mua bán người. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm phù hợp với điều kiện địa bàn, nhận thức từng đối tượng, vùng, miền dân cư. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm tại các địa bàn trọng điểm; phát động quần chúng cảnh giác, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người...

Công an cũng nắm chắc địa bàn, lập danh sách, dựng các ổ nhóm, đường dây, đối tượng nghi vấn mua bán người để có kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, bảo đảm mọi tin báo về tội phạm mua bán người phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời;

Tăng cường mối quan hệ với lực lượng Công an các tỉnh biên giới của Lào để xây dựng quy chế phối hợp trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp làm hành lang pháp lý cho việc thực hiện các yêu cầu trong phòng, chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ, 17 đối tượng về hành vi mua bán người; tổ chức lực lượng phối hợp giải cứu và hỗ trợ kinh phí đưa về địa phương với 17 nạn nhân.

Riêng trong 1 tháng thực hiện đợt cao điểm từ 1/7 - 31/7/2024, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ, 8 đối tượng về hành vi mua bán người, mua bán trẻ em.