Khởi tố, điều tra 36 vụ, 58 bị can phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em trong giai đoạn 2020 - 2023

Trong giai đoạn từ tháng 12/2020 – 9/2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tập huấn tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Công ước ACTIP, lồng ghép các Bộ Luật, luật khác và các văn bản pháp luật có liên quan. Quá trình triển khai, các ngành, địa phương cũng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người từ cấp tỉnh cho đến cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, các bản, làng, thôn, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm xẩy ra tình trạng mua bán người như các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... Hàng năm, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người gắn liền “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng.

t-1697684636.jpg
Ảnh minh họa

Công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các Sở, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm” và bảo đảm các quyền của nạn nhân. Công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được chú trọng triển khai thực hiện, bảo đảm tính liên tục, chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Đến nay, 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định; 100% nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu theo quy định. Các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tiến hành tổ chức tiếp nhận, xác minh và bảo vệ theo quy định của pháp luật 51 người là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Thường xuyên làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc các đơn vị, địa phương và các lực lượng liên quan thực hiện tốt công tác xác minh, xác định, tiếp nhận, trao trả và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Các Sở, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người. Giai đoạn từ tháng 12/2020 – 9/2023, đã tổ chức trên 3.000 buổi sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm, phòng chống tội phạm, gần 3.500 cuộc họp khối, xóm, thôn, bản, làng có lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người; tổ chức cho trên 13.000 lượt người cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, tích cực tố giác tội phạm mua bán người...

Các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã chủ động nắm chắc tình hình, quyết liệt triển khai các phương án, kế hoạch nghiệp vụ và thực hiện hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh; triệt phá nhiều chuyên án mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Công tác phối hợp giữa cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm chặt chẽ, đúng tiến độ, kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội mua bán người theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.012 trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập cảnh, xử phạt 2,326 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra 36 vụ, 58 bị can phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 36 vụ, 58 bị can phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em. Tội phạm mua bán người tăng, giảm theo từng năm, không cố định xu hướng. Công tác điều tra tội phạm mua bán người được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật, đúng quy trình tố tụng, 100% các vụ án được khởi tố, điều tra theo đúng quy định, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, không có vụ án nào bị đình chỉ, tạm đình chỉ, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trong kỳ, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 36 vụ án, bảo đảm thực hiện đúng chính sách, pháp luật, không để xảy ra oan, sai. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thụ lý và truy tố 32 vụ, 54 bị can. Toà án nhân dân các cấp thụ lý 32 vụ, 54 bị cáo với các mức án nghiêm minh, góp phần nâng cao tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, không để xảy ra oan sai, đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh mặc dù được cải thiện nhưng còn hạn chế do thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật. Tình hình tội phạm mua bán người còn tiềm ẩn phức tạp, số lượng nạn nhân bị mua bán tương đối nhiều nhưng số được hỗ trợ còn hạn chế, đa số chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, hỗ trợ tiền tàu xe về gia đình, các nhu cầu thiết yếu ban đầu. Nhiều nạn nhân chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ. Chưa có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ngành chức năng. Công tác tuyên truyền giáo dục tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn gặp trở ngại cả về điều kiện đi lại, ngôn ngữ, phương pháp tuyên truyền và nhận thức của họ.

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống mua bán người, mua bán phụ nữ, trẻ em

Để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Công an tiếp tục tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo các ban, ngành, các cấp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống mua bán người, mua bán phụ nữ, trẻ em. Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn tỉnh nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán bào thai, nhất là ở những vùng tiềm ẩn nguy cơ cao.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an tham mưu Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp sớm có các văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý tội phạm mua bán người, mua bào thai hiện nay. Kiến nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ tăng cường mối quan hệ với các tỉnh biên giới của Campuchia, Lào, Trung Quốc để xây dựng văn bản phối hợp trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp làm hành lang pháp lý cho việc thực hiện các yêu cầu trong phòng chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, trong đó chú ý nội dung thông báo kịp thời về tình hình có liên quan, hỗ trợ giải cứu nạn nhân.

Nguồn: Báo cáo số 752/BC-UBND ngày 9/10 về việc sơ kết 03 năm thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.