500 triệu liều vaccine có làm thỏa mãn kỳ vọng của thế giới?
Tổng thống Joe Biden thông báo chính quyền của ông sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và tặng cho khoảng 100 nước, trước áp lực phải giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine Covid-19 trên toàn thế giới. Kế hoạch trên được đưa ra vào đúng thời điểm Tổng thống Biden bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới châu Âu kể từ khi nhậm chức. Đây là cơ hội để ông Biden tái khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ và khôi phục các mối quan hệ rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
“Chúng ta phải kết thúc đại dịch Covid-19 không chỉ ở trong nước, mà ở khắp mọi nơi. Không có bức tường nào đủ cao để bảo vệ chúng ta trước đại dịch hoặc mối đe dọa tiếp theo mà chúng ta phải đối mặt. Điều này đòi hỏi cần có hành động phối hợp của nhiều bên”, ông Biden nói khi có mặt ở Anh chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Nguồn tin am hiểu về thỏa thuận với Pfizer cho biết, Mỹ sẽ mua 500 triệu liều vaccine Covid-19 với giá “phi lợi nhuận”. 200 triệu liều vaccine sẽ được cung cấp vào cuối năm 2021 và 300 triệu liều vaccine vào nửa đầu năm 2022. Tất cả số vaccine sẽ được cung cấp thông qua chương trình COVAX - sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu.
Trong 8 ngày công du tại châu Âu, ông Biden sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh, tiếp đó là Hội nghị Thượng đỉnh NATO và EU - Mỹ. Kết thúc chuyến công du, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp Tổng thống Nga Putin tại Thụy Sĩ. Ông Biden có thể sẽ tận dụng chuyến đi để kêu gọi các quốc gia khác đẩy mạnh việc phân phối vaccine Covid-19.
Trong một tuyên bố hôm 9/6, Jeffrey D. Zient, quan chức phụ trách chiến lược tiêm chủng của Nhà Trắng, cho biết, Tổng thống Biden sẽ “tập hợp các nền dân chủ trên thế giới để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 trên toàn cầu, đồng thời việc Mỹ đi đầu tạo ra kho vaccine sẽ rất quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch trên toàn thế giới”.
500 triệu liều vaccine vẫn còn thấp so với 11 tỷ liều vaccine mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính là cần thiết để tiêm chủng cho toàn thế giới, nhưng là một nỗ lực vượt xa cam kết chia sẻ vaccine của Mỹ cho đến nay.
Nhiều nhà hoạt động vì sức khỏe toàn cầu đã hoan nghênh kế hoạch này của Mỹ, nhưng nhấn mạnh lập trường rằng, Mỹ chỉ cung cấp vaccine là không đủ. Họ cho rằng chính quyền ông Biden phải tạo điều kiện để các nước khác tự sản xuất vaccine, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ sản xuất.
“Thế giới cần gấp rút sản xuất thêm hàng tỷ liều vaccine trong vòng 1 năm, chứ không chỉ cam kết mua từ nguồn cung vốn không đủ đáp ứng kế hoạch. Chúng tôi vẫn chưa thấy kế hoạch nào từ Mỹ hoặc G7 về tham vọng hoặc sự cấp bách để sản xuất thêm hàng tỷ liều vaccine nhằm chấm dứt đại dịch”, Peter Maybarduk, Giám đốc chương trình tiếp cận thuốc của Public Citizen, cho biết.
Mỹ sẵn sàng chi lớn để chia sẻ vaccine
Thỏa thuận với Pfizer có khả năng mở ra cánh cửa cho các thỏa thuận tương tự với các nhà sản xuất vaccine khác, bao gồm cả Moderna. Ngoài ra, chính quyền ông Biden đã làm trung gian trong một thỏa thuận để hãng dược Merck giúp sản xuất vaccine Johnson & Johnson và những liều vaccine đó có thể được cung cấp ra nước ngoài.
Thỏa thuận với Pfizer cho thấy, Mỹ sẵn sàng sử dụng ngân khố quốc gia nhiều hơn để giúp đỡ các nước nghèo.
Tuần trước, ông Biden cho biết, Mỹ sẽ phân phối 25 triệu liều vaccine trong tháng 6 cho các nước ở khu vực Caribe, Mỹ Latin, Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và các vùng lãnh thổ của người Palestine, Gaza và Bờ Tây.
Đó là những liều vaccine đầu tiên trong số 80 triệu liều ông Biden cam kết sẽ gửi ra nước ngoài cho đến cuối tháng 6, trong đó 3/4 lượng vaccine sẽ được phân phối bởi COVAX. Phần còn lại sẽ chuyển tới những nơi đang đối mặt với khủng hoảng Covid-19 nghiêm trọng như Ấn Độ, Bờ Tây và Gaza.
Ông Biden cũng ủng hộ việc bỏ bảo hộ quyền sáng chế vaccine, nhưng đề xuất này vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Liên minh châu Âu và các công ty dược phẩm. Hội đồng về thương mại của quyền sở hữu trí tuệ thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ họp trong tuần này để xem xét việc bỏ bảo hộ quyền sáng chế vaccine.
Đau đầu với bài toán chia sẻ công bằng vaccine
Những câu hỏi về việc Mỹ sẽ chia sẻ vaccine như thế nào liên tục được đặt ra trong những tuần gần đây, khi số ca mắc Covid-19 đã giảm ở Mỹ nhưng vẫn gia tăng ở một số nước đang phát triển thiếu hụt vaccine.
Theo Washington Post, khoảng cách trong chiến dịch tiêm chủng giữa các quốc gia là rất lớn. Trong khi hơn 1/2 dân số ở Mỹ và Anh đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, chỉ gần 2% dân số châu Phi đã được tiêm chủng.
Cho đến nay, nỗ lực toàn cầu để thu hẹp khoảng cách đó vẫn chưa có sự thống nhất. Một số quốc gia giàu có đã công bố kế hoạch quyên góp vaccine dư thừa và bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng thúc đẩy nguồn cung toàn cầu, nhưng thông tin cụ thể về thời điểm và cách thức tiến hành vẫn chưa được tiết lộ.
COVAX dự định cung cấp 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, với mục tiêu tiêm chủng cho 20% dân số các quốc gia có nhu cầu, nhưng có thể sẽ không đạt được mục tiêu đó. Chương trình này đã bị cản trở do thiếu hụt nguồn vốn và tình trạng khan hiếm vaccine trầm trọng do cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ. Cho đến nay, COVAX chỉ cung cấp gần 82 triệu liều vaccine cho 129 quốc gia.
“Điều đó có ý nghĩa, nhưng chỉ riêng nó thì chưa đủ”, Thomas J. Bollyky, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói, đề cập đến kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ.
Ông Thomas J. Bollyky cho biết, để đánh giá quy mô hãy xem xét 500 triệu liều vaccine mà chính quyền ông Biden dự định chia sẻ gấp khoảng 6 lần số vaccine COVAX đã phân phối cho đến nay, nhưng chỉ chiếm 25% trong số 2 tỷ liều vaccine chương trình này đặt mục tiêu phân phối trong năm nay.
“Những liều vaccine Pfizer này sẽ đến nhiều quốc gia. Câu hỏi lớn là việc phân phối sẽ theo thứ tự nào và số lượng bao nhiêu?”, ông Thomas J. Bollyky nói thêm.
Sau kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ, các tổ chức y tế quốc tế đang kêu gọi các quốc gia giàu có khác cũng tăng cường cam kết với toàn cầu.
“Chúng ta sẽ không kết thúc đại dịch toàn cầu này ở bất kỳ đâu trừ khi chúng ta đánh bại nó ở mọi nơi. Tặng vaccine cho COVAX sẽ cứu sống con người, giảm sự lây lan của các biến thể và giúp mở cửa lại nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia G7 khác noi gương Mỹ và đóng góp nhiều vaccine hơn cho COVAX. Nếu đã từng nghĩ tới tham vọng và hành động toàn cầu để chấm dứt đại dịch, thì bây giờ chính là lúc làm điều đó”, Tom Hart, quyền Giám đốc điều hành One Campaign, tổ chức chống lại đói nghèo và bệnh tật, cho biết./.