Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 141.179 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong; không ghi nhận trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm độc lực cao như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...
Từ đầu năm 2022 đến nay, số mắc cao nhất trong tháng 3/2022 (37.442 trường hợp mắc), tháng 2/2022 (28.199 trường hợp mắc), tháng 4/2022 (21.992 trường hợp mắc).
Số mắc cúm ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, trong đó các tỉnh, thành phố có số mắc cao như: Thanh Hóa (36.759 trường hợp), Thái Bình (13.876), Hưng Yên (13.392), Sơn La (4.572), Khánh Hòa (3.655), Lai Châu (3.378)...
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh cúm không có sự khác biệt so với những năm trước đây, không ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm độc lực cao. Tuy nhiên, trong thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm mùa (chiếm 97,6% số trường hợp dương tính với cúm theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương).
Trước diễn biến của bệnh cúm hiện nay, không ít người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, đây là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng Tamiflu sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc đối với các thuốc chỉ được bán khi có đơn thuốc.