1-1663294315.jpeg

Bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga

Trong hơn nửa năm kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, cuộc xung đột cục bộ này đã trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn đầu, quân Nga quân tấn công mạnh mẽ; giai đoạn giữa, hai bên lâm vào thế giằng co, và sau đó đến hiện tại, Quân đội Ukraine bắt đầu phản công trên một số hướng.

Cuộc phản công của quân đội Ukraine trong những ngày gần đây, khiến dư luận lại đổ dồn sự chú ý vào cuộc xung đột này; đồng thời một vấn đề lại được đặt ra: không-đối-đất đặc biệt quan trọng trong xung đột hiện đại, nhưng cho đến nay, các máy bay ném bom chiến lược của Nga hiếm khi lộ diện. Tại sao lại như vậy?

Theo số liệu do Flight International công bố, đến cuối năm 2021, Không quân Nga có 123 máy bay ném bom chiến lược thuộc 3 loại, trong đó có 15 chiếc Tu-160, 66 chiếc Tu-22M3 và 42 chiếc Tu-95M.

2-1663294334.jpeg
 Ảnh: Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-22M3.

Với số máy bay ném bom chiến lược trong biên chế, số lượng chỉ ít hơn Không quân Mỹ 18 chiếc, và đây cũng là một trong hai quốc gia trên thế giới có nhiều máy bay ném bom chiến lược nhất.

Như vậy có thể kết luận, lực lượng không quân chiến lược của Nga rõ ràng có khả năng tấn công không đối đất mạnh, có thể được sử dụng trong một cuộc tấn công cục bộ quy mô lớn.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 có thể mang tới 45 tấn bom, về cơ bản gấp 4 lần máy bay chiến đấu hạng nặng; ngoài ra máy bay Tu-160 có tầm hoạt động lớn và khả năng phóng tên lửa hành trình loại lớn, khả năng mà máy bay chiến đấu không thể.

Chẳng hạn như tên lửa hành trình tầm xa Kh-101, kể cả máy bay ném bom hạng nặng Su-34 cũng không sử dụng được; nhưng khoang chứa bom tích hợp của máy bay ném bom chiến lược Tu-160, có thể lắp 12 tên lửa cùng lúc.

Ngoài ra hai loại máy bay ném bom chiến lược Tu -22M3 và Tu-95M cũng có thể được gắn tên lửa hành trình tầm xa.

123 máy bay ném bom chiến lược này của Nga, có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác không đối đất tầm xa cường độ cao, ngay cả khi họ đưa 1/5 trong số chúng ra chiến trường mỗi ngày.

3-1663294373.jpeg
Ảnh: Bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga. 

Tại sao Nga sử dụng hạn chế máy bay ném bom chiến lược?

Với ưu thế về máy bay ném bom chiến lược như vậy, nhưng vì sao Không quân Nga vẫn chưa sử dụng quy mô lớn loại vũ khí lợi thế này? Trên thực tế, có cả hai yếu tố.

Đầu tiên là Không quân Nga miễn cưỡng sử dụng vì lý do, thứ nhất là chi phí; chi phí xuất kích một máy bay ném bom chiến lược Tu-160 rất đắt, vượt quá 30.000 USD/giờ bay, còn của Tu-95M và Tu-22M3 cũng lên tới hàng chục ngàn USD/giờ.

Tất nhiên, một máy bay ném bom chiến lược sẽ mang lại sức răn đe lớn, nhưng chi phí tiêu hao cũng khá lớn.

Khi xung đột nổ ra, thì cái giá phải trả, cũng không thể tính toán được quá nhiều; mà điều quan trọng nhất, là đảm bảo thắng lợi cho cuộc chiến. Đối mặt với điều này, thì chi phí nào cũng có thể chấp nhận được.

4-1663294425.jpeg
Ảnh: Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Không quân Nga trên sân đỗ. 

Nhưng điều này lại nảy sinh ra vấn đề thứ hai: Hiện tại, Không quân Nga sử dụng máy bay ném bom chiến lược, chỉ để phóng tên lửa hành trình chiến thuật. Mà những tên lửa này có thể phóng đi từ tàu chiến hoặc các bệ phóng mặt đất, có giá thành rẻ hơn nhiều so với sử dụng máy bay ném bom chiến lược.

Nếu xét từ góc độ chi phí, việc quân đội Nga không điều động một số lượng lớn máy bay ném bom chiến lược, đó cũng là một sự cân nhắc để tiết kiệm chi phí hoạt động và nó cũng có thể được hiểu là "miễn cưỡng" sử dụng chúng.

Hãy nhìn vào yếu tố thứ hai,đó là quân đội Nga không có ưu thế trên không toàn diện.

Trước xung đột, Không quân Ukraine có trên dưới 200 máy bay chiến đấu, và cho đến thời điểm này, không quân Ukraine dù lép vế so với Nga, nhưng vẫn có thể xuất kích chiến đấu, chưa hoàn toàn bị vô hiệu hoá.

Cách đây vài ngày, Không quân Ukraine còn điều cả máy bay chiến đấu MiG-29 sử dụng tên lửa chống radar AGM-88 của Mỹ, để săn tìm các trận địa phòng không của Quân đội Nga.

5-1663294462.jpeg
 Ảnh: Máy bay MiG-29 của Không quân Ukraine phóng tên lửa chống bức xạ AGM-88 của Mỹ.

Trong số 3 máy bay ném bom của Nga, kể cả chiếc Tu-160 dù có tốc độ nhanh nhất, cũng khó thoát khỏi chiếc MiG-29 mang tên lửa không đối không.

Ngoài ra, mặc dù radar cảnh báo phòng không cỡ lớn của Không quân Ukraine về cơ bản đã bị phá hủy, nhưng quân đội Ukraine vẫn còn một số lượng lớn radar cảnh báo phòng không mặt đất và hệ thống phòng không dã chiến vẫn đang hoạt động.

Mặc dù máy bay Tu-160 có thể bay với tốc độ trên Mach 2, nhưng nó không có khả năng tàng hình, nên khả năng bị phát hiện và tiêu diệt bởi một cuộc không kích vẫn rất cao.

Bên cạnh đó, Không quân Nga hiện chỉ có 15 chiếc Tu-160, chỉ cần một chiếc bị rơi là ảnh hưởng rất lớn đến năng lực răn đe hạt nhân, nên Không quân Nga không thể mạo hiểm để xảy ra tình trạng mất mát như vậy. Tu-95M và Tu-22M3 cũng đang đối mặt với tình cảnh tương tự.

6-1663294518.jpeg
Ảnh: Máy bay ném bom chiến lược Tu-95M mang 8 tên lửa hành trình. 

Nga và Ukraine là hai quốc gia có chung đường biên giới và chi phí phóng tên lửa hành trình tầm xa bằng máy bay ném bom chiến lược, vượt xa chi phí phóng từ đất liền và trên biển.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa dẫn đường chính xác, hoặc bom thông thường để chiến đấu trong một môi trường mà lực lượng phòng không của Ukraine “vẫn là dấu hỏi lớn”, là rất rủi ro. Do vậy, tốt hơn là Không quân Nga sử dụng tiêm kích bom như Su-24 và Su-34.

Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã dẫn đến thực tế đó là, mặc dù Không quân Nga có 123 máy bay ném bom chiến lược, nhưng hiếm khi xuất hiện trong chiến đấu.

Trên thực tế, nếu quân đội Nga toàn quyền kiểm soát ưu thế trên không, thì việc sử dụng các máy bay ném bom chiến lược như Tu-95M và Tu-160 mang bom thường cho các cuộc tấn công mặt đất, cũng sẽ đạt được kết quả tốt.

7-1663294547.jpeg
Ảnh: Khoảnh khắc máy bay Tu-160 phóng tên lửa hành trình tầm xa KH-101.

Ví dụ một chiếc Tu-160 có thể rải vài chục tấn bom trong một lần xuất kích, một phi đội 3 chiếc rải thảm, có thể phá hủy hoàn toàn trận địa phòng ngự của Quân đội Ukraine, dù là được xây dựng kiên cố tới đâu.

Nhưng mấu chốt của vấn đề là quân đội Nga không hoàn toàn nắm được ưu thế trên không. Còn máy bay ném bom cận âm như Tu-95, chỉ có thể mang tên lửa hành trình tầm xa cho các cuộc không kích, chứ không sử dụng được bom thông thường.

8-1663294583.jpeg
 Ảnh: Máy bay ném bom Tu-95 chỉ có thể mang tên lửa hành trình tầm xa cho các cuộc không kích.

Kiểm soát ưu thế trên không, không nhất thiết có nghĩa là tiêu diệt tất cả các máy bay chiến đấu hoặc tên lửa phòng không của đối phương, mà phá hủy một phần năng lực phòng không của đối phương, sau đó thực hiện chế áp điện tử toàn diện chiến trường, để vô hiệu hóa máy bay chiến đấu và vũ khí phòng không còn lại.

Trong Chiến tranh Kosovo năm 1999, liên quân NATO do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành chế áp điện từ toàn diện; sau khi các máy bay chiến đấu của Không quân Nam Tư cất cánh, radar này bị “mù” ngay lập tức, khiến chúng không thể đánh trúng mục tiêu;

9-1663294619.jpg
 Ảnh: Một đài radar cảnh giới tầm xa của Ukraine bị tên lửa hành trình của Nga phá hủy.

Vì vậy, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom NATO có thể tự do bắn phá mà không lo sợ bị phản kích.

Hiện tại, quân đội Nga rõ ràng đã không đạt được khả năng chế áp điện từ toàn diện như vậy; thậm chí áp chế điện từ ở trên hướng tác chiến chính cũng không đạt hiệu quả cao.

Vậy nên, nếu muốn lực lượng không quân chiến lược nhập cuộc, quân đội Nga buộc phải tìm cách chiếm được ưu thế trên không toàn diện. Nếu không, thách thức với các máy bay ném bom chiến lược của Nga vẫn là rất lớn./.