Sau hơn 4 năm mới có một vị Tổng thống Ukraine tới thăm Mỹ. Dư luận cho rằng Tổng thống Zelensky mang theo khá nhiều trọng trách và kỳ vọng trong chuyến đi Mỹ lần này để gặp Tổng thống Biden.

Ukraine chờ đợi gì từ cuộc gặp Zelensky-Biden tại Mỹ

Đây là chuyến thăm được chờ đợi từ lâu của Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky. Ngày 31/8 ông đã có mặt tại thủ đô Washington. Như nhà lãnh đạo Ukraine đã thông báo với các phóng viên, thì trong ngày hôm qua (31/8), ông có 8 cuộc gặp để thảo luận về các vấn đề năng lượng và an ninh, cuộc đầu tiên là tại Bộ Năng lượng, tiếp theo là ở Bộ Quốc phòng. Trong hôm nay 1/9, ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra tuyên bố chung.

Tái định hình quan hệ Mỹ-Ukraine từ một chuyến thăm
Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Tổng thống Ukraine - Zelensky. Ảnh: Ukrgate.

Tổng thống Ukraine - Zelensky cho rằng hai bên nên đạt được 3 hiệp ước về quốc phòng, các thỏa thuận về kinh tế. Đồng thời, theo lời ông, sẽ có tranh luận lớn liên quan đến dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” và nên có các thỏa thuận về năng lượng, tuy nhiên, cần chờ thêm để biết chi tiết.

Trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ukraine đến Mỹ, các chuyên gia đều cho rằng, những điều mà Kiev chờ đợi ở cuộc gặp với người đứng đầu Nhà Trắng, đó là: Washinhgton gia tăng các lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, con đường trực tiếp để Ukraine trở thành thành viên NATO, đảm bảo an ninh bổ sung, cung cấp vũ khí sát thương cho Lực lượng vũ trang Ukraine, tăng cường hỗ trợ tín dụng cho nước này và gây áp lực lên Nga.

Thời gian gần đây, dư luận Ukraine không ngừng lo ngại về việc chưa có gì đảm bảo để nước này tiếp tục trung chuyển khí đốt của Nga sang châu âu khi hợp đồng với Tập đoàn Gazprom hết hạn vào năm 2024, còn dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt từ bờ Nga đến Đức qua biển Baltic sắp hoàn thành, rút ngắn được quãng đường vận chuyển tới các nước Tây âu.

Chủ đề Ukraine liệu có bị lu mờ bởi bão Ida và vấn đề Afghanistan?

Ở thời điểm hiện tại thì mọi sự quan tâm của Tổng thống Joe Biden vẫn dành cho công tác khắc phục cơn bão Ida và Afghanistan mặc dù Mỹ đã rút toàn bộ quân đội khỏi đây ngày 30/8, chính vì vậy mà cuộc gặp tại Nhà Trắng đã bị lùi lại hai ngày so với dự kiến. Đây là lần đầu Tổng thống Zelensky tới Washington.

Hai năm về trước, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có lời mời tương tự, song xét quan hệ song phương khi đó, đặc biệt sau khi ông Trump yêu cầu phía ông Zelensky cung cấp bằng chứng về vụ của ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden, chuyến thăm đã không diễn ra như dự kiến.

Tuy nhiên, ông Joe Biden, một chính trị gia kỳ cựu và người từng phụ trách khu vực Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama thì khác và chuyến thăm này được coi là một cơ hội để Ukraine cải thiện quan hệ với Mỹ.

Khi đưa ra lời mời Tổng thống Zelenski tới Mỹ, Tổng thống Biden từng khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Ukraine và tái khẳng định ủng hộ việc mở đường cho Ukraine gia nhập NATO. Mỹ cũng đã hỗ trợ Ukraine gần 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và mới đây đã phân bổ 60 triệu USD từ tiền của Lầu Năm Góc để trợ giúp Kiev. Các động thái này cho thấy Tổng thống Biden khá ủng hộ chính quyền của Tổng thống Zelenski và cuộc gặp lần này sẽ là dịp để hai bên thảo luận cách thức cụ thể nhằm mở rộng sự hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Ngoài việc đề xuất với Mỹ các vấn đề liên quan tới an ninh và chiến lược như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, gia nhập NATO hay dự án Dòng chảy phương Bắc 2, ông Zelensky cần truyền tải một thông điệp thuyết phục về thái độ quyết liệt của mình nhằm thay đổi Ukraine, với những ý tưởng và cam kết cụ thể, để tiếp tục duy trì sự ủng hộ của Nhà Trắng.

Xét cho cùng, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể là một thành công lớn cho nhà lãnh đạo này nói riêng và quan hệ song phương nói chung.

Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine gia nhập NATO như thế nào?

Nỗ lực tìm kiếm tư cách thành viên NATO của Ukraine đã kéo dài trong nhiều năm. Theo tôi, một trong số nội dung chính trong chương trình nghị sự chuyến thăm Washington DC lần này của Tổng thống Volodymyr Zelensky là tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Mỹ, không chỉ Nhà Trắng, mà cả Quốc hội để có thể hiện thực hóa tham vọng gia nhập NATO của Ukraine.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn chung ba hãng thông tấn hàng đầu thế giới, gồm AP, Reuters và AFP hôm 14/6 vừa qua, Tổng thống Zelensky nói rằng ông muốn biết câu trả lời cụ thể từ người đồng cấp Mỹ Joe Biden đối với Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) vốn được trao cho các nước ứng cử viên gia nhập NATO. Đây chính là địa vị mà Ukraine đã tìm kiếm từ lâu.

Ông Zelensky bày tỏ mong muốn Ukraine phải nhận được thời điểm rõ ràng và khả năng diễn ra điều đó đối với Kiev đến đâu. Tuyên bố được ông Zelensky đưa ra đúng vào ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, với sự tham dự trực tiếp lần đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Ukraine đã hứng chịu thất vọng vì không được mời tham dự hội nghị quan trọng đó.

Với vai trò đầu tàu trong NATO, Mỹ có thể thuyết phục được các nước thành viên đồng minh như Anh, Canada, cùng ba quốc gia Baltic và một số nước thuộc Trung và Đông Âu “bật đèn xanh” cho Ukraine gia nhập khối hiệp ước quân sự này. Nhưng Mỹ khó có thể thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, hay Pháp, Italy,…. dọn đường cho Ukraine gia nhập NATO. Bởi vì các nước này một mặt có sự gắn kết về kinh tế-thương mại lớn với Nga, mặt khác họ thừa hiểu Moscow sẽ phản ứng như thế nào một khi Ukraine trở thành thành viên NATO. Do vậy, cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden đối với vấn đề này là thuyết phục Ukraine tiếp tục kiên trì chờ đợi thời cơ chín muồi.

Đồng thời, yêu cầu Kiev phải tiến hành những cải cách sâu sộng cả về dân chủ, quân sự, quản trị và chống tham nhũng để có thể từng bước đáp ứng các tiêu chí của một thành viên NATO. Để xoa dịu sự sốt ruột của Kiev, trong thời gian chờ đợi chưa biết đến khi nào kết thúc đó, Mỹ sẽ gia tăng hợp tác quân sự với Ukraine và gia tăng bán vũ khí cho nước này./.