Tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Theo Nghị định số 56/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải đã quy định Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ được kiện toàn lại thành Cục Quản lý đường bộ và Cục Đường cao tốc và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.

Kể từ khi được thành lập, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện quản lý lĩnh vực đường bộ rất tốt, nhiều ý kiến lo ngại, khi tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ gây lãng phí về nhân lực quản lý. Đặc biệt, là sẽ có những bất cập khi luân chuyển cán bộ từ địa phương này sang địa phương khác.

 

tong-cuc-duong-bo-viet-nam-2-16553543289091203401917-16619274314791241258647-1661939608.jpg
Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Thế Anh

Theo đó, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 Cục chuyên môn đang làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam lo lắng và quan tâm tới công việc sắp tới sẽ bị điều chuyển đi đâu?

Thông tin về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Quản lý đường bộ và Cục Đường cao tốc, các công việc thuộc chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Tổng cục sẽ được Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường bộ như hiện nay".

Đối với Cục đường cao tốc, Thứ trưởng Thọ cho hay: "Cục Đường cao tốc là mô hình tập trung quản lý đường cao tốc, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là quản lý đầu tư xây dựng đường cao tốc".

"Cục Đường cao tốc là đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng quản lý đường cao tốc", ông Thọ cho hay.

Nhân sự Tổng cục Đường bộ Việt Nam chuyển đi đâu?

Về nhân sự từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ được điều chuyển đi đâu?, ông Thọ cho hay: "Nhân thuộc Tổng cục sẽ tiếp tục làm việc theo đúng chuyên môn của mình ở 2 Cục chuyên môn vừa được tách từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam".

"Quan điểm của Bộ GTVT là sắp xếp lại và duy trì số lượng cán bộ để đảm bảo 2 Cục vừa được tách ra thực hiện các nhiệm vụ được hiệu quả", ông Thọ nêu rõ.

Trước khi nghỉ hưu theo chế độ, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn liên quan tới Luật, nếu tách thành 2 Cục thì trong Luật cũng phải tách thành 2 Luật, sau luật còn có Nghị định, Thông tư để 2 Cục này hoạt động.

Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được thành lập năm 2013, Cục Quản lý đường bộ cao tốc có chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ cao tốc.

Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 35/2018/QĐ - TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ GTVT theo hướng tinh gọn lại bộ máy, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, chấm dứt sự tồn tại của Cục Quản lý đường bộ cao tốc chỉ sau 5 năm hoạt động.

Quyết định trên được cho là đúng đắn khi theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng giúp gọn nhẹ bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý công việc.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa quyết định chấp thuận cho phép ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam được nghỉ hưu trước tuổi, thời gian từ ngày 1/9.

Bộ GTVT cũng đã trao quyết định bổ nhiệm Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 56/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị này.../.