Nguy cơ suy thoái có thể kéo dài sang 2023 và lâu hơn nữa
Trả lời kênh Fox Business, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, kinh tế Trung Quốc cũng như các nền kinh tế lớn khác, trong đó có Mỹ, có nhiều cơ hội để phục hồi. Tuy nhiên, Chủ tịch WB bày tỏ lo ngại các nước khác trên thế giới có thể tiếp tục suy giảm kinh tế vào năm 2023 và lâu hơn nữa.
WB hôm 15/9 cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tập trung nỗ lực vào việc kiềm chế lạm phát leo thang.
Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua do nguồn cung bị hạn chế giữa lúc nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Trong năm nay, tình hình trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19. Tình hình trên buộc các ngân hàng trung ương chủ chốt phải có phản ứng mạnh mẽ, tăng chi phí cho vay để làm giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, các nhà kinh tế của WB cảnh báo biện pháp này có thể vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương cần phải tăng thêm tăng lãi suất - đây là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trong kịch bản này, WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Người đứng đầu WB đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất nhằm tăng nguồn cung để nới lỏng những hạn chế khiến giá cả leo thang.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.
Hồi đầu tháng 6, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,9%, so với dự báo 4,1% đưa ra hồi tháng 1.
ADB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á đang phát triển
Theo TTXVN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 đối với khu vực châu Á đang phát triển, trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt biện pháp phong tỏa chống dịch, khủng hoảng Ukraine tiếp diễn và khu vực đang đối mặt với sức ép do lạm phát.
Trong khi việc nới lỏng các hạn chế chống dịch COVID-19 đã thúc đẩy chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng trong khu vực, ADB đưa ra cảnh báo về "sóng gió toàn cầu" đối với sự phục hồi khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
Cụ thể, ngân hàng này đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 đối với khu vực châu Á đang phát triển xuống còn 4,3%, thấp hơn so với mức dự báo 5,2% đưa ra hồi tháng 4. Trong đó, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 cũng giảm từ 5,0% xuống 3,3%, do các biện pháp chống dịch như phong tỏa và hạn chế đi lại khiến hoạt động kinh tế chịu gián đoạn.
Khu vực châu Á đang phát triển bao gồm 46 thành viên của ADB, trải dài từ Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương đến Kazakhstan ở Trung Á. Dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2021 là 7%.
Ngân hàng này cũng nâng dự báo lạm phát từ 3,7% lên 4,5%, do tác động của xung đột Nga-Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng. Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cảnh báo "những rủi ro tiềm ẩn rất lớn" đối với triển vọng của khu vực và kêu gọi các chính phủ cần cảnh giác.
Ông Park cho biết, nền kinh tế thế giới suy thoái đáng kể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực, trong khi việc thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến ở các nền kinh tế tiên tiến có thể dẫn đến bất ổn tài chính. Theo ông Park, suy thoái đang trở thành "gánh nặng" khiến dự báo tăng trưởng của các khu vực đều giảm.
ADB cho rằng, trong khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong khu vực đã tăng lãi suất, một số ngân hàng trung ương có thể cần phải làm nhiều hơn để kiềm chế lạm phát và ngăn chặn dòng vốn ra./.