Với các đảng viên và nhân dân cả nước, nhiệm kỳ khóa 12 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạo nên cảm xúc đặc biệt trước tất cả những gì ông đã làm cho đất nước.
Dấu ấn mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước để lại trong suốt một chặng đường dài, nhất là nhiệm kỳ vừa qua, lịch sử nước nhà rồi sẽ ghi nhận xứng đáng. Riêng về cá nhân, ông quả là một chính khách nổi trội về trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, uy tín cao... và còn có lối sống rất đỗi giản dị và gần gũi.
Những câu chuyện sau đây chắc chắn chỉ là nét chấm phá rất nhỏ mà tôi được biết về ông ở khía cạnh đời thường.
Nữ nhà báo Thu Hồng, nguyên phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội có vinh hạnh đứng trong kíp nhà đài đi theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt từ khi ông còn ở cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Chị từng có thời gian khoảng 20 năm được theo nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và một số vị khác. Vì thế, ở một người làm báo như chị, đương nhiên sẽ có rất, rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ…
Tình cảm với trẻ thơ
Chị Thu Hồng kể với tôi kỷ niệm của hai mẹ con chị về vị lãnh đạo cấp cao của Đảng ta. Những chuyện đó làm con trai chị không thể quên từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành.
Ông Nguyễn Phú Trọng vốn là người rất gần gũi, thân tình với cấp dưới và thường dành tình cảm đặc biệt với các nhà báo. Từ trong sâu thẳm, ông luôn coi họ là đồng nghiệp của chính mình.
Hồi ông còn ở trên tầng 2, số nhà 11 phố Đặng Tất (Ba Đình), do có việc gấp nên chị nhờ con trai chở xe máy đến thẳng phố Đặng Tất cùng các đồng nghiệp gặp gỡ vị Bí thư Thành uỷ Nguyễn Phú Trọng.
Đang mải đông vui, bất chợt nhà báo Thu Hồng giật nẩy mình: “Thôi chết em rồi, cháu Hồng Anh đợi em từ nãy đến giờ ngoài cổng”.
Ông Phú Trọng nhẹ nhàng: “Thế à, vậy thì cô xuống ngay đi với cháu! Cô đừng lo thế! Mà này, nó tên là Hồng Anh à ?
Dạ, cháu là Lê Hồng Anh, anh ạ - Chị Hồng nói thêm. Không hiểu sao, bất chợt ông Phú Trọng cười rất tươi, gật đầu rồi đứng lên tiễn khách ra tận cổng.
Khi thấy con mình ngoài cổng, chị cũng lo lo. Con trai đang tỏ rõ thái độ bực bội ra mặt với mẹ. Ông Phú Trọng bất ngờ vẫy tay chào cậu bé rồi nói: “Chào Đại tướng Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh!”.
Thật là bất ngờ, cháu Hồng Anh bỗng đổi thay luôn nét mặt. Nó cười rõ tươi: “Dạ, cháu chào bác ạ!”.
Và nét mặt chàng trai ấy lúc này xem như không hề có chuyện gì xảy ra trước đó. Hồng Anh lộ rõ vẻ khoái chí trước câu chào dí dỏm đầy bất ngờ của bác Phú Trọng. Sau đó nó nói với mẹ: “Sao bác Phú Trọng hiền và vui tính thế mẹ nhỉ”.
Chuyện chiếc Toyota Crown cũ
Khi Lê Hồng Anh trưởng thành, năm 2012, mẹ cậu được cử làm phóng viên tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Anh quốc. Hồng Anh ngồi ở nhà dõi theo chương trình thời sự trên truyền hình. Cậu thấy bác Nguyễn Phú Trọng mặc bộ vest mọi ngày trong buổi hội kiến với Thủ tướng Anh David Cameron.
Tuổi trẻ, thấy gì là nói, bản thân cậu sinh viên Hồng Anh lúc đó cũng đã đủ kiến thức nhất định về thời trang. Cậu biết được “chất” của những bộ đồ vest mà các chính khách thường mặc.
Ngay khi chị Thu Hồng về nước, Hồng Anh nói với mẹ: “Mẹ này, hôm nọ con để ý thì thấy khi tiếp bác Trọng, Thủ tướng David Cameron mặc bộ đồ vest rất đẹp, thế mà bác Trọng lại mặc bộ vest giản dị quá! Bác đẹp thế, nếu mà mặc một bộ thời trang thì tuyệt”.
Chị Thu Hồng ậm ừ cho qua nhưng trong đầu cũng đã nghĩ rằng: Thằng nhỏ cũng tinh thật! Đúng là bác Trọng mặc bộ vest này, theo chị láng máng nhớ thì dễ có khi ông đã mặc cả chục năm rồi cũng nên.
Hôm sau, chị Thu Hồng kể lại câu chuyện với Tổng Bí thư. Ông cười đôn hậu và đáp ngay rằng: “Em hãy nói với cháu Hồng Anh, có thế thì bác mới là bác Nguyễn Phú Trọng!”.
Sau đó, vài lần khác, nhà báo Thu Hồng khéo léo gợi ý với anh em giúp việc và cảnh vệ: “Các em này, hay là ta tìm cách nào đó nói khéo gia đình giấu béng mấy bộ đồ cũ đó đi rồi cùng gia đình bác chọn mua bộ đồ mới cho thủ trưởng mặc được không?”.
Anh em đều cười vang rồi xua tay quầy quậy: “Không được đâu bà chị ơi! Thủ trưởng mình đi đâu, mặc gì là đều có “chỉ định thầu” cả rồi. Chị hiểu ý em không, tức là ông cứ thay đồ tuần tự trong phạm vi mấy bộ vest đó, khó sắm mới lắm!”.
Trong chuyến thăm đất nước Cuba, Tổng Bí thư "diện" bộ vest màu sáng. Một chiếc cúc áo đã lỏng xuống. Nhà báo Thu Hồng nhanh trí phát hiện ra, vội đính lại cho ông và tranh thủ “thời cơ vàng” thêm một lần nữa đề nghị ông may đồ mới, Tổng Bí thư trả lời: “Nó còn tốt mà, cũng có sao đâu mà thay”.
Một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cương vị ủy viên TƯ Đảng 7 khoá nay đã sang năm thứ 27 nếu tính từ giữa nhiệm kỳ khoá 7-1994; Đại biểu Quốc hội 4 khóa (hơn 18 năm); Ủy viên Bộ Chính trị kể cả khoá này là 6 khóa (hơn 22 năm); đảm nhiệm 3 chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Thế nhưng ông vẫn đang sử dụng xe công vụ vốn là một chiếc Toyota Crown cũ (đời 1998) có tuổi đời đã 22 năm.
Nó vốn là xe mà nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từng sử dụng khi ở cương vị Chủ tịch Quốc hội (đến năm 2000). Ông Nông Đức Mạnh lên làm Tổng Bí thư thì bàn giao xe lại cho Văn phòng Quốc hội để sang cơ quan mới dùng xe của Văn phòng Trung ương Đảng bố trí. Vậy mà người kế nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng vẫn dùng tiếp chiếc xe đó dù xe này lúc đó đã chạy được 8 năm.
Thật không ngờ là đến mãi tận thời gian này, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không hề cho đổi xe mới. Một chuyện vô cùng hiếm hoi trong số các nhà lãnh đạo của ta. Nói là chuyện vô cùng hiếm bởi ông hoàn toàn có quyền thay xe mới rất chính đáng, nhất là với những ai là lãnh đạo cỡ “tứ trụ”...
Phu nhân của ông cách đây ít năm vẫn tự đi một chiếc xe Honda Cub cũ kĩ. Các con ông cũng vẫn đều là những công chức khiêm nhường trong xã hội.
“Ngay đến như con trai ông, khi đang học trong một khóa tại Học viện Chính trị mà bạn bè trong lớp đó đã được nửa năm cũng không có mấy người biết là con trai người đứng đầu Đảng, Nhà nước”, nhà báo Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Dân Trí, cùng học khoá đó đã bật mí chuyện này khiến cả anh và tôi rất bất ngờ.
'Xin cho em bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này'
Những sinh viên Văn khoa khoá 8, Đại học Tổnghợp Hà Nội: Các nhà báo Dương Đức Quảng, Vũ Duy Thông, Dương Quang Minh, Trần Đức Chính... từng kể cho tôi nghe rằng, khi người bạn đồng môn của họ là người đứng đầu Thủ đô, ông vẫn lặng lẽ nhờ người chở mình đi xe máy về thăm khoa Văn trong sự ngỡ ngàng của thầy cô và bè bạn.
Ông vẫn chỉ là một người học trò đã cao tuổi trở về trường, không tiền hô hậu ủng, không hào nhoáng.
Và ngay cả khi ông đã là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng vậy. Đi dự gặp mặt lớp cũ, ông nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân!”.
Với 1 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội và vừa được bầu thêm một nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư nữa là ba nhiệm kỳ Tổng Bí thư, ông được Đại hội 13 xem như đây là trường hợp đặc biệt của đặc biệt. Đó là chưa kể mấy năm qua ông lại đảm trách thêm cả cương vị Chủ tịch nước. Quả thật, công việc đều vô cùng lớn lao và nặng nề, nhất là vào lúc toàn Đảng phải tuyên chiến với mọi tiêu cực vốn bị tích tụ sau nhiều năm, nguy hiểm đến mức ở thế một mất một còn với cả một chế độ.
Thế nhưng ông phải đứng ra cáng đáng nó và làm cái việc “đốt lò” như tôi viết ở ngay phần đầu bài này. Và ở vị trí công tác nào, lối sống, tác phong giản dị, cởi mở với mọi người dân, trong đó có cả đội ngũ giúp việc của mình khiến ai cũng nể trọng và quý mến ông, cảm phục ông.
Ở con người ấy, sự thông tuệ, chất trí tuệ nổi trội và phong cách làm việc khoa học, bài bản, làm quyết liệt... đều là những phẩm chất sau này chúng ta không thể không nhắc đến ông vào những thời khắc lịch sử rất đặc biệt ấy.
Rõ ràng là đất nước vẫn đang rất cần có những nhà lãnh đạo có tài và đức như ông.
Rồi đây, chúng ta sẽ không thể không nhắc tới cuộc đời gương mẫu và sự nghiệp chính trị của ông. Một cuộc đời như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quả là một nét đẹp khiến chúng ta rất mực trân trọng. Chúng ta hy vọng vào các thế hệ lãnh đạo đã và sẽ cộng sự cùng ông cũng cố gắng học tập và noi theo. Với công việc, ông xử lý khách quan, công tâm, nhân văn nhưng cũng không vì thế mà thiếu dứt khoát.
Ông là nhà lãnh đạo không khoan nhượng với cái xấu và thực sự đã là “Người đốt lò đặc biệt” để sưởi ấm lòng tin cho dân với Đảng, Nhà nước và để dân hiểu rằng Nhà nước này là của dân, do dân và vì dân.