Tại sao lại cần hệ thống rải mìn từ xa?
Hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye của Quân đội Nga được giới thiệu chính thức ngày 24/6/2020. Những nỗ lực tạo ra một hệ thống như vậy được Liên Xô thực hiện vào những năm 1970. Các phiên bản đầu tiên dựa trên hệ thống tên lửa phóng loạt Grad không phù hợp, do độ chính xác của việc rải mìn từ xa quá thấp và không thể chủ động bố trí mìn.
Sau đó đã xuất hiện hệ thống rải mìn cơ động đa năng (UMP), nhưng phạm vi hoạt động ngắn, chỉ khoảng 100m. Một phương tiện khác - xe rải mìn sử dụng khung gầm GMZ-3 - có thể nhanh chóng rải các quả mìn để tạo ra một bãi mìn theo hình dạng yêu cầu, vị trí chính xác, truyền dữ liệu để thể hiện bãi mìn trên bản đồ địa hình. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ có thể rải mìn chống tăng và vùng diện tích cần bố trí bãi mìn là những dải hẹp.
Nhằm ngăn cản sự di chuyển của đối phương, với Zemledeliye, Quân đội Nga có thể tạo ra bãi mìn “thông minh” từ xa, với dải khá rộng để đặt cả mìn chống tăng và mìn chống bộ binh theo vị trí chính xác trên mọi địa hình. Trong giai đoạn cận chiến, hệ thống này có thể “cài mìn” các khu vực cần thiết trong thời gian ngắn để cắt đứt nguồn dự trữ-tiếp tế của đối phương khỏi lực lượng tác chiến chủ lực.
Cấu hình
Hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye dựa trên xe địa hình KamAZ 8x8 bốn trục, giống hệ thống tên lửa phóng loạt hay còn gọi hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS). Thiết bị rải mìn mới này do Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất Splav thuộc Tập đoàn Nhà nước Rostec thiết kế, chế tạo. Hiệp hội Splav đã từng thiết kế các tổ hợp pháo phản lực Grad và phiên bản sửa đổi hiện đại Tornado-G.
Xe rải mìn sử dụng khung gầm xe KamAZ, gồm hai khối 25 ống phóng với 25 quả tên lửa cỡ 122mm. Những quả tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn mang theo mìn có tầm bắn từ 5-15 km. Mỗi khối có thể được trang bị tên lửa hỗn hợp rải cả mìn chống tăng và mìn chống bộ binh.
Ngoài các bệ phóng, hệ thống còn bao gồm một phương tiện vận chuyển-tái nạp tên lửa. Việc nạp tên lửa cho thiết bị phóng được thực hiện rất nhanh chóng, khác với MLRS truyền thống - thay đổi cả khối 25 ống phóng. Cả hai loại xe phóng và vận chuyển đều được trang bị cabin bọc thép. Việc chuẩn bị phóng tên lửa mang theo các loại mìn khác nhau có khả năng tự hủy và việc xạ kích hoàn toàn được tự động hóa.
Xe KamAZ 8x8 dùng để vận chuyển tên lửa và các thiết bị phóng đến vị trí khai hỏa, tự động chuẩn bị dữ liệu đường bay, thời gian và vị trí kích hoạt bộ giảm tốc của tên lửa cũng như thông số tự hủy của mìn; tự động tính toán khu vực rải mìn từ xa, trao đổi thông tin qua các kênh liên lạc với cấp trên, xe điều khiển và xe tải vận chuyển; chuyển giao thông tin mìn và bãi mìn cho chỉ huy đơn vị và các phương tiện chiến đấu khác. Để làm được điều này, hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye được trang bị hệ thống định vị vệ tinh, máy tính và trạm đo khí tượng riêng.
Loại tên lửa 3M16 có chiều dài 3,02 m và khối lượng 56,4 kg, mang theo 5 quả mìn sát thương POM-2 được đặt thành một hàng theo chiều dọc. Việc rải mìn kết thúc khi mìn tiếp đất, được cố định trên mặt đất bằng 4 chân và tung ra hai bên 4 sợi dây dài 10 m. Khi những sợi dây này bị kéo căng sẽ kích hoạt ngòi nổ.
Loại tên lửa 9M28K có chiều dài 3,02 m, khối lượng 57,7 kg, mang theo 3 quả mìn chống tăng PTM-3 chứa 1,8 kg thuốc nổ. Việc phóng và kích hoạt để rải mìn chống tăng diễn ra tương tự như mìn sát thương bộ binh. Mìn chống tăng có ngòi nổ kích nổ bằng từ trường hoặc khi quả mìn bị dịch chuyển. Để tạo bãi mìn 1 km phía trước chiến tuyến, cần 90 tên lửa, với tổng cộng 270 PTM-3.
Không gây ra hậu quả nguy hại
Các lực lượng vũ trang Nga đã nhận được lô thiết bị rải mìn Zemledeliye đầu tiên. Trong các cuộc tập trận, hệ thống rải mìn mới đã chứng minh có hiệu suất tuyệt vời. Thông tin về tọa độ tên lửa rơi được truyền về sở chỉ huy các cấp. Tại đó, vị trí, cấu hình và kích thước chính xác của bãi mìn được đánh dấu và thể hiện trên bản đồ điện tử. Nhờ đó, quân nhà có thể vượt qua qua khu vực đã được rải mìn một cách an toàn và không bị cản trở.
Trước khi phóng tên lửa rải mìn, thời gian được tính toán và cơ chế điều khiển trong đó các quả mìn "thông minh" sẽ chuyển sang chế độ chờ hoạt động. Đồng thời, mỗi quả mìn được trang bị các thiết bị tự hủy có thể lập trình được. Khi chiến sự kết thúc, các quả mìn sẽ ngừng hoạt động hoặc tự hủy./.